Mùa Thu tháng Mười mang một nỗi niềm dìu dịu. Bắt đầu từ mùa Thu năm mười hai, tôi thường thích tung tăng trên sườn đồi, nơi có những dải hoa vàng lọt thỏm những màu xanh thẫm của bình nguyên, ngó lên chỉ thấy mây giăng, ngó ra thì toàn rừng rú. Mỗi chiều về, mảnh gió mồ côi heo hút qua góc đồi, buồn buồn như một nỗi nhớ của kẻ đương yêu…
Ông ngoại thường vác rựa lên con đồi ấy. Ông men theo cái lối mòn mọc toàn dương xỉ mùa giao tử. Sau cơn mưa, mùi ẩm mốc hoen rỉ bốc lên nhẹ ngọt như hương nhánh lan rừng ông treo nơi trái cửa. Ông lang thang kiếm vài bụi măng dại cuối mùa. Ông đợi một mùa những rặng tre sẽ rộ bông trắng ngần, chợt nhận ra tuổi già cuối cùng cũng tàn nhẫn tìm ra ông. Mẹ khóc nhiều, bà ngoại ốm một trận thập tử nhất sinh. Sau cơn bệnh, bà ít nói, lưng bà khòm hẳn xuống như một dấu hỏi lặng thầm cho những đớn đau đang dần xa xỉ.
Bà ngồi đó, im lìm nhìn đám nhặng bu tới tấp đám cá khô, hai hốc má sâu khắm khẽ rung lên. Hôm nay trời nắng, bà đem chúng ra phơi, bà nhìn ra phía xa con đường vắng. Bà đợi, ngày lễ thế nào cũng có con Thủy, con Mai hay thằng Bằng về. Bà sẽ nấu cơm và làm cho chúng miếng cá khô nướng. Bà thường ngày không ăn cá khô, bà thích ăn măng chua hơn. Người già họ chẳng cần gì những món ngon, những thứ dân dã cũng đủ cay đắng cả tháng ngày. Rồi chẳng đứa con nào về với bà cả, bà lại cất mớ cá khô vào lọ. Rồi bà ra vườn xua lũ gà ra khỏi đám nghệ mới trồng, tiếng gà quang quát cùng tiếng bà sang sảng giữa giấc trưa. Ngoài kia, con đường vẫn cong cong và nắng thì rất vội...
Tôi lớn lên nơi vùng quê hẻo lánh. Tôi vẫn hay hỏi nhưng ông ngoại chẳng biết tại sao lại chọn chốn này. Rồi ông nhướng đôi mày về phía xa xanh thẳm. Ông bảo, buổi loạn ly, biết đâu mà chọn. Ông nói từ khi gả mẹ cho ba tôi thì mảnh đất này đã là quê hương thứ hai của mình rồi, đi xa lại thấy nhớ. Ông hay dắt tôi lên sườn đồi hóng gió. Hai ông cháu ngồi la la một bài hát nào đó chẳng biết tên mà người ta hay phát trên radio. Rồi ông kể chuyện ông đi lính, trải qua bao bom rơi đạn lạc. Rồi ông quen bà qua mai mối, sinh ra mẹ. Đứa con gái đầu lòng mà ông luôn dành tình yêu thương đặc biệt. Trong đời ông chỉ có hai người phụ nữ quan trọng nhất, đó là bà và mẹ. Cũng chính vì thế mà ông buồn nhiều hơn khi mẹ ôm hai đứa con xót xa bỏ nhà đi trong lời cay nghiệt của bà. Ông buồn bà, ông buồn mẹ, rồi ông lại vác rựa lên đồi kiếm những bụi măng rừng, làm món măng chua mà cả hai mẹ con đều thích.
Giờ đây khi đã qua tuổi dại, tôi mới biết mình cần một chốn nào đó để quay về. Quê mình từ ngày ông đi thay đổi nhiều quá, những con đường nhựa phẳng lì, bóng loáng buổi sương tan. Tôi về quê, vác cái thân hình thư sinh gầy gò và tử tế về "ăn chực" nhà bà mấy hôm. Bà tíu tít ra vườn nhặt vài nhánh cải vàng nấu canh, trộn cũng mùi lá bưởi phơi ráng chiều. Bà cũng chiên cá khô nữa, nhưng không có măng chua.
- Bà hỏi con bé lúc trước dẫn về đâu rồi, tưởng chúng bay lấy nhau rồi chứ.
- Mẹ con không thích bà ạ. Tôi ra vẻ hờn dỗi.
- Tao thấy nó xinh mà bây, con mẹ mi thật là...
Nói tới đó mình phì cười. Tôi bỗng nhớ mẹ. Tôi nhìn bà thật lâu. Thật ra mẹ giống bà rất nhiều. Tôi không muốn nhắc nhiều về mẹ, sợ bà giận. Bữa cơm hôm đó bà rất vui. Niềm vui như pha loãng, chờ một ngày bám bụi.
Chiều, tôi lại thích la cà trên sườn đồi. Bây giờ người ta đã chặt bớt cây xung quanh. Ánh nắng chiếu vào nhiều hơn. Lúc đầu cái gì cũng thấy lạ, cứ nghĩ là chẳng thể nào nhớ các con đường tắt chằng chịt, giờ lại nhắm mắt đi tới, cứ như đứa trẻ lại muốn chập chững tập đi sau một thời gian tập chạy vội vàng vậy. Người ta sẽ quên dần và chợt nhận ra cuộc sống vốn bắt đầu như thế đó, chẳng kịp bàng hoàng và suy ngẫm lại chút gì.
Đêm nay, bà không ngủ. Tôi ngồi thừ người nghĩ chuyện vẩn vơ, những con chữ chữ chạy loay hoay trong đầu, rồi bị bôi đen và trôi đi mất. Bóng bà in lên nền tường loang lổ. Mùa đông sẽ bắt đầu như thế nào nhỉ? Mùa đông này tôi ăn bữa cơm của bà mà nhớ bữa cơm của mẹ. Mẹ nhớ con, gọi điện bảo sao ít về. Con tuôn ra nào là thực tập, đồ án. Khi mẹ tắt máy rồi mới thấy mình vô tâm và ích kỷ. Bóng bà vẫn lặng thinh. Cháu khẽ đặt tay lên lưng bà vuốt ve làn da khô khốc sau tà áo mỏng, thì thầm: “Đừng giận mẹ con nữa, bà nhé…”
Ông ngoại thường vác rựa lên con đồi ấy. Ông men theo cái lối mòn mọc toàn dương xỉ mùa giao tử. Sau cơn mưa, mùi ẩm mốc hoen rỉ bốc lên nhẹ ngọt như hương nhánh lan rừng ông treo nơi trái cửa. Ông lang thang kiếm vài bụi măng dại cuối mùa. Ông đợi một mùa những rặng tre sẽ rộ bông trắng ngần, chợt nhận ra tuổi già cuối cùng cũng tàn nhẫn tìm ra ông. Mẹ khóc nhiều, bà ngoại ốm một trận thập tử nhất sinh. Sau cơn bệnh, bà ít nói, lưng bà khòm hẳn xuống như một dấu hỏi lặng thầm cho những đớn đau đang dần xa xỉ.
Bà ngồi đó, im lìm nhìn đám nhặng bu tới tấp đám cá khô, hai hốc má sâu khắm khẽ rung lên. Hôm nay trời nắng, bà đem chúng ra phơi, bà nhìn ra phía xa con đường vắng. Bà đợi, ngày lễ thế nào cũng có con Thủy, con Mai hay thằng Bằng về. Bà sẽ nấu cơm và làm cho chúng miếng cá khô nướng. Bà thường ngày không ăn cá khô, bà thích ăn măng chua hơn. Người già họ chẳng cần gì những món ngon, những thứ dân dã cũng đủ cay đắng cả tháng ngày. Rồi chẳng đứa con nào về với bà cả, bà lại cất mớ cá khô vào lọ. Rồi bà ra vườn xua lũ gà ra khỏi đám nghệ mới trồng, tiếng gà quang quát cùng tiếng bà sang sảng giữa giấc trưa. Ngoài kia, con đường vẫn cong cong và nắng thì rất vội...
Tôi lớn lên nơi vùng quê hẻo lánh. Tôi vẫn hay hỏi nhưng ông ngoại chẳng biết tại sao lại chọn chốn này. Rồi ông nhướng đôi mày về phía xa xanh thẳm. Ông bảo, buổi loạn ly, biết đâu mà chọn. Ông nói từ khi gả mẹ cho ba tôi thì mảnh đất này đã là quê hương thứ hai của mình rồi, đi xa lại thấy nhớ. Ông hay dắt tôi lên sườn đồi hóng gió. Hai ông cháu ngồi la la một bài hát nào đó chẳng biết tên mà người ta hay phát trên radio. Rồi ông kể chuyện ông đi lính, trải qua bao bom rơi đạn lạc. Rồi ông quen bà qua mai mối, sinh ra mẹ. Đứa con gái đầu lòng mà ông luôn dành tình yêu thương đặc biệt. Trong đời ông chỉ có hai người phụ nữ quan trọng nhất, đó là bà và mẹ. Cũng chính vì thế mà ông buồn nhiều hơn khi mẹ ôm hai đứa con xót xa bỏ nhà đi trong lời cay nghiệt của bà. Ông buồn bà, ông buồn mẹ, rồi ông lại vác rựa lên đồi kiếm những bụi măng rừng, làm món măng chua mà cả hai mẹ con đều thích.
Giờ đây khi đã qua tuổi dại, tôi mới biết mình cần một chốn nào đó để quay về. Quê mình từ ngày ông đi thay đổi nhiều quá, những con đường nhựa phẳng lì, bóng loáng buổi sương tan. Tôi về quê, vác cái thân hình thư sinh gầy gò và tử tế về "ăn chực" nhà bà mấy hôm. Bà tíu tít ra vườn nhặt vài nhánh cải vàng nấu canh, trộn cũng mùi lá bưởi phơi ráng chiều. Bà cũng chiên cá khô nữa, nhưng không có măng chua.
- Bà hỏi con bé lúc trước dẫn về đâu rồi, tưởng chúng bay lấy nhau rồi chứ.
- Mẹ con không thích bà ạ. Tôi ra vẻ hờn dỗi.
- Tao thấy nó xinh mà bây, con mẹ mi thật là...
Nói tới đó mình phì cười. Tôi bỗng nhớ mẹ. Tôi nhìn bà thật lâu. Thật ra mẹ giống bà rất nhiều. Tôi không muốn nhắc nhiều về mẹ, sợ bà giận. Bữa cơm hôm đó bà rất vui. Niềm vui như pha loãng, chờ một ngày bám bụi.
Chiều, tôi lại thích la cà trên sườn đồi. Bây giờ người ta đã chặt bớt cây xung quanh. Ánh nắng chiếu vào nhiều hơn. Lúc đầu cái gì cũng thấy lạ, cứ nghĩ là chẳng thể nào nhớ các con đường tắt chằng chịt, giờ lại nhắm mắt đi tới, cứ như đứa trẻ lại muốn chập chững tập đi sau một thời gian tập chạy vội vàng vậy. Người ta sẽ quên dần và chợt nhận ra cuộc sống vốn bắt đầu như thế đó, chẳng kịp bàng hoàng và suy ngẫm lại chút gì.
Đêm nay, bà không ngủ. Tôi ngồi thừ người nghĩ chuyện vẩn vơ, những con chữ chữ chạy loay hoay trong đầu, rồi bị bôi đen và trôi đi mất. Bóng bà in lên nền tường loang lổ. Mùa đông sẽ bắt đầu như thế nào nhỉ? Mùa đông này tôi ăn bữa cơm của bà mà nhớ bữa cơm của mẹ. Mẹ nhớ con, gọi điện bảo sao ít về. Con tuôn ra nào là thực tập, đồ án. Khi mẹ tắt máy rồi mới thấy mình vô tâm và ích kỷ. Bóng bà vẫn lặng thinh. Cháu khẽ đặt tay lên lưng bà vuốt ve làn da khô khốc sau tà áo mỏng, thì thầm: “Đừng giận mẹ con nữa, bà nhé…”