Buổi trưa, trên đường về nhà có chút nắng. Bỗng dưng trong bụng thèm một món gì đó thanh thanh. Nhớ trong tủ lạnh còn mấy trái sấu xanh nên ta tạt vội ngang chợ, mua ít rau muống, hai miếng đậu hủ. Nghĩ đến cái chén nước canh rau muống đã phát thèm.
Cái tính ta vốn ăn uống không cầu kỳ nên nhiều khi mọi người trong nhà cứ lo. Bữa cơm đôi khi chỉ là vài miếng đậu chiên sả, dĩa rau muống xanh non, và tô nước rau muống vắt chanh thơm thơm cánh mũi. Nhiều lúc ngồi ăn mà cứ nghĩ vu vơ, cũng như hôm nay. Nhìn tô canh mà trong lòng rưng rưng nỗi nhớ nhà, nhớ Ngoại.
Cái ao rau muống trước nhà bây giờ vẫn còn, nên mỗi lần về nhà nhìn quanh quẩn ta lại nhớ một thời ấu thơ. Nơi đó, tờ mờ tinh sương có hai bà cháu một già một trẻ bì bõm dưới ao. Bàn tay gân guốc chai sần của Ngoại thoăn thoắt cắt từng đọt rau muống xanh tươi. Đứa cháu gái theo sát bên nhặt từng đọt rau bỏ vào thau lớn. Hai bà cháu cứ thế lần dò ngụp lặn suốt hai tiếng để kịp cho buổi chợ sáng. Khi rau được mang lên bờ, Ngoại dùng những dây chuối khô bó lại từng lọn nhỏ. Trong lúc hai bà chàu cùng bó rau, Ngoại bảo rằng:
- Có bó rau đẹp thì người ta nhìn mới muốn mua, chứ con để một đống vầy ai mà mua cho. Làm cái gì cũng vậy, có chăm chút, để tâm chú ý thì mới được kết quả tốt chứ con.
- Dạ, con biết rồi. Mà Ngoại ơi! Rau muống rẻ rề, mỗi lọn có 500 đồng, bán cả đống này cũng chỉ đủ bữa chợ sáng. Sao Ngoại không lấp cái ao trồng cái khác giá trị hơn mà mình cũng khỏe thân. Con thấy nhà bác Tư trồng đậu, dưa, bí mà bán giá cao lắm, tiền nhiều lắm đó Ngoại.
- Rau muống tuy rẻ, nhưng ai cũng thích ăn. Con thấy đó, một bó cải Đà Lạt rẻ nhất cũng 5.000. Một kí đậu cũng 20.000. Một bữa chợ mà rau cải giá như thế, ai dám ăn. Bà con ở đây còn nghèo, nên rau muống sẽ là món dễ ăn và dễ mua nhất. Tiền bạc thì cũng quý, ai cũng ham nhưng làm cái gì cũng nhớ đến những người chung quanh. Ở xóm mình, ai cũng chờ thau rau muống của Ngoại và con vào mỗi buổi sáng. Một con cá, một miếng thịt đã là gánh nặng trên vai của mọi người rồi. Con thấy có nên lấp cái ao này không?
- Dạ, con hiểu rồi. Không nên vì vật chất quá mà quên mất những bà con nghèo xung quanh hén Ngoại. Mà con cũng thích ăn rau muống, mát da dài tóc nữa há Ngoại!
- Ừ… Làm người thì cũng nên biết mình biết ta con à. Giữ cái tâm không hơn thua hèn sang, không cầu kỳ biến chất, không vì người ta làm mình cũng làm theo. Người ta chặt bỏ thứ này, trồng thứ khác mình cũng nhào vào chặt hết mà không biết rõ công thức gieo được hạt giống tốt là như thế nào. Trước khi con không rõ điều gì, con cần phải quan sát, lắng nghe từ nhiều người để hiểu rõ cách thức làm thế nào để có được những cây tốt, phân biệt những cây xấu. Bằng không cứ giữ nguyên những loại giống mà con đang có, ít ra nó cũng là phương tiện cho con miếng cơm trắng qua ngày.
- Dạ… Ngoại à! Con hiểu rồi.
Chỉ có một bó rau muống thôi, mà ta học được từ người bà đáng kính một bài học sống. Sống không chỉ là sống cho riêng bản thân mình, mà còn vì những người xung quanh. Sự bon chen đua đòi theo những giá trị phù phiếm sẽ không tồn tại lâu dài. Đôi khi sự sẻ chia, đơn giản chỉ là một tâm niệm tốt dành cho mọi người xung quanh cũng khiến lòng thanh thản lạ lùng. Từng bó rau muống của Ngoại đã sẻ chia một phần gánh nặng cơm áo của bà con xung quanh. Và con đã lớn lên bên những bó rau muống từ đôi tay của Ngoại. Thỉnh thoảng mấy cô chú lại xách cái rỗ sang:
- Dì Tư! Cho con mấy cọng rau muống nấu mì nha!
- Dì tư, cho con thêm một ít nữa đi. Hôm nay nhà có khách, nấu nồi canh mà thiếu rau.
Từ ngày bà ngoại đi xa, mấy cậu mấy dì vẫn giữ lại cái ao ấy mà không san bằng lại. Bây giờ rau muống trong ao chỉ dành để cho bà con trong xóm, ai muốn ăn thì cứ hái về mà dùng. Thỉnh thoảng ông Ngoại ta lại ra đứng bờ ao mà nhớ, chép miệng gọi:
- Bà nó ơi!
Ngồi lẩm nhẩm chuyện xưa mà ta ăn hết tô cơm lớn hồi nào không hay. Cái vị chua chua thanh thanh của nước rau muống dầm sấu làm mát dịu khoang cổ. Sống ở Sài Gòn, món gì mà chẳng có, món gì mà ta chưa ăn. Nhưng đôi khi, trong bụng cứ thèm làm sao! Thèm một tô rau muống chua chua của quê mình.
Cái tính ta vốn ăn uống không cầu kỳ nên nhiều khi mọi người trong nhà cứ lo. Bữa cơm đôi khi chỉ là vài miếng đậu chiên sả, dĩa rau muống xanh non, và tô nước rau muống vắt chanh thơm thơm cánh mũi. Nhiều lúc ngồi ăn mà cứ nghĩ vu vơ, cũng như hôm nay. Nhìn tô canh mà trong lòng rưng rưng nỗi nhớ nhà, nhớ Ngoại.
Cái ao rau muống trước nhà bây giờ vẫn còn, nên mỗi lần về nhà nhìn quanh quẩn ta lại nhớ một thời ấu thơ. Nơi đó, tờ mờ tinh sương có hai bà cháu một già một trẻ bì bõm dưới ao. Bàn tay gân guốc chai sần của Ngoại thoăn thoắt cắt từng đọt rau muống xanh tươi. Đứa cháu gái theo sát bên nhặt từng đọt rau bỏ vào thau lớn. Hai bà cháu cứ thế lần dò ngụp lặn suốt hai tiếng để kịp cho buổi chợ sáng. Khi rau được mang lên bờ, Ngoại dùng những dây chuối khô bó lại từng lọn nhỏ. Trong lúc hai bà chàu cùng bó rau, Ngoại bảo rằng:
- Có bó rau đẹp thì người ta nhìn mới muốn mua, chứ con để một đống vầy ai mà mua cho. Làm cái gì cũng vậy, có chăm chút, để tâm chú ý thì mới được kết quả tốt chứ con.
- Dạ, con biết rồi. Mà Ngoại ơi! Rau muống rẻ rề, mỗi lọn có 500 đồng, bán cả đống này cũng chỉ đủ bữa chợ sáng. Sao Ngoại không lấp cái ao trồng cái khác giá trị hơn mà mình cũng khỏe thân. Con thấy nhà bác Tư trồng đậu, dưa, bí mà bán giá cao lắm, tiền nhiều lắm đó Ngoại.
- Rau muống tuy rẻ, nhưng ai cũng thích ăn. Con thấy đó, một bó cải Đà Lạt rẻ nhất cũng 5.000. Một kí đậu cũng 20.000. Một bữa chợ mà rau cải giá như thế, ai dám ăn. Bà con ở đây còn nghèo, nên rau muống sẽ là món dễ ăn và dễ mua nhất. Tiền bạc thì cũng quý, ai cũng ham nhưng làm cái gì cũng nhớ đến những người chung quanh. Ở xóm mình, ai cũng chờ thau rau muống của Ngoại và con vào mỗi buổi sáng. Một con cá, một miếng thịt đã là gánh nặng trên vai của mọi người rồi. Con thấy có nên lấp cái ao này không?
- Dạ, con hiểu rồi. Không nên vì vật chất quá mà quên mất những bà con nghèo xung quanh hén Ngoại. Mà con cũng thích ăn rau muống, mát da dài tóc nữa há Ngoại!
- Ừ… Làm người thì cũng nên biết mình biết ta con à. Giữ cái tâm không hơn thua hèn sang, không cầu kỳ biến chất, không vì người ta làm mình cũng làm theo. Người ta chặt bỏ thứ này, trồng thứ khác mình cũng nhào vào chặt hết mà không biết rõ công thức gieo được hạt giống tốt là như thế nào. Trước khi con không rõ điều gì, con cần phải quan sát, lắng nghe từ nhiều người để hiểu rõ cách thức làm thế nào để có được những cây tốt, phân biệt những cây xấu. Bằng không cứ giữ nguyên những loại giống mà con đang có, ít ra nó cũng là phương tiện cho con miếng cơm trắng qua ngày.
- Dạ… Ngoại à! Con hiểu rồi.
Chỉ có một bó rau muống thôi, mà ta học được từ người bà đáng kính một bài học sống. Sống không chỉ là sống cho riêng bản thân mình, mà còn vì những người xung quanh. Sự bon chen đua đòi theo những giá trị phù phiếm sẽ không tồn tại lâu dài. Đôi khi sự sẻ chia, đơn giản chỉ là một tâm niệm tốt dành cho mọi người xung quanh cũng khiến lòng thanh thản lạ lùng. Từng bó rau muống của Ngoại đã sẻ chia một phần gánh nặng cơm áo của bà con xung quanh. Và con đã lớn lên bên những bó rau muống từ đôi tay của Ngoại. Thỉnh thoảng mấy cô chú lại xách cái rỗ sang:
- Dì Tư! Cho con mấy cọng rau muống nấu mì nha!
- Dì tư, cho con thêm một ít nữa đi. Hôm nay nhà có khách, nấu nồi canh mà thiếu rau.
Từ ngày bà ngoại đi xa, mấy cậu mấy dì vẫn giữ lại cái ao ấy mà không san bằng lại. Bây giờ rau muống trong ao chỉ dành để cho bà con trong xóm, ai muốn ăn thì cứ hái về mà dùng. Thỉnh thoảng ông Ngoại ta lại ra đứng bờ ao mà nhớ, chép miệng gọi:
- Bà nó ơi!
Ngồi lẩm nhẩm chuyện xưa mà ta ăn hết tô cơm lớn hồi nào không hay. Cái vị chua chua thanh thanh của nước rau muống dầm sấu làm mát dịu khoang cổ. Sống ở Sài Gòn, món gì mà chẳng có, món gì mà ta chưa ăn. Nhưng đôi khi, trong bụng cứ thèm làm sao! Thèm một tô rau muống chua chua của quê mình.