Buổi chiều, nhận từ tay dì một bao lì xì màu đỏ, phía sau ghi rõ hàng chữ “Lộc bà ngoại tặng bé Thưa”. Tự dưng trong lòng dâng một nỗi xúc động biết dường nào. Một món quà cuối cùng của người bà vừa ra đi 7 ngày nay. Bất ngờ đến mức thấy lòng mình nghèn nghẹn, một tình cảm thân thương mà bà dành tặng lại cho tôi.
Bên trong phong bì là một số tiền không quá lớn, nhưng tình cảm bà dành cho tôi không gì có thể đo đếm được. Dì tôi bảo trước lúc biết mình có thể ra đi, bà đã gọi cô Tư (con gái của bà) đến và dặn dò tất cả. Và ai cũng không ngờ là bà đã dặn gửi lại cho tôi bao lì xì này.
Bà không phải bà ruột của tôi, bà là mẹ của dượng rể. Chính vì điều này mà tôi thật sự bất ngờ khi nhận lấy bao lì xì của bà. Cảm giác lúc này cũng không thể tả bằng con chữ nào cả. Bỗng thấy dòng nước mắt chực trào tự chính con tim mình. Bà đã ra đi nhưng trong tim tôi vẫn còn nhớ như in những lời bà từng dạy.
Lần đầu tiên tôi gặp bà khi đặt chân lên Sài Gòn là lần bên nhà bà làm đám giỗ cho ông. Vì đi theo dì để phụ dọn dẹp mâm bàn thờ, bà hỏi tôi:
- Con bao nhiêu tuổi mà người chút xíu vậy?
- Dạ! Thưa bà bác, con 19 tuổi.
- Trời! 19 tuổi mà gầy nhom như 13. Nghe má Diệp nói con học đại học mà bà không tin.
Câu chuyện của bà và tôi chỉ vỏn vẹn vài ba câu rồi tôi xin phép dọn dẹp phụ dì và rửa đống chén còn dang dở. Tôi thấy bà quan sát tôi từng cử chỉ một, rồi bà cười:
- Con nhỏ vậy mà giỏi, phải chi nó chịu làm cháu dâu của mình.
Câu nói của bà làm cả nhà nhìn tôi cười. Từ đó trở đi, mỗi khi có dịp sang nhà bác hai là tôi nghe mọi người đều đùa “cháu dâu” như thế. Tôi biết bà quý mình nên nói vậy, chứ thực lòng tôi không suy nghĩ nhiều về câu nói ấy. Tôi xem bà cũng như bà nội, bà ngoại của tôi. Lần nào sang thăm, tôi cũng hay trò chuyện cùng bà, có khi bóp chân bóp tay cho bà đỡ mỏi hoặc thỉnh thoảng học ở bà nhiều món ăn mới. Tôi học ở bà sở thích nấu ăn, dù đã gần 80 tuổi nhưng bà rất khéo léo trong việc này. Tôi thích nhất món chuối hột nấu cá lóc theo gu người Vũng Tàu mà bà hay làm. Thế là có hôm hai bà cháu lại làm rộn ràng cả khu bếp. Có một câu nói của bà mà tôi luôn nhớ “Món ăn dù ngon hay dở cũng không quan trọng bằng cách con dùng trái tim mình chăm chút cho bữa cơm gia đình. Có thể nó không ngon lắm nhưng nó cần phải thu hút người thưởng thức qua cách bài trí. Đó mới chính là nghệ thuật.”
Tôi vẫn nhớ những tình cảm mà bà dành cho tôi. Không chỉ là những lời dạy dỗ, mà còn đầy ắp sự yêu thương quan tâm tôi. Có lần bên nhà đám giỗ, tôi bận đi làm không ghé được. Bà bảo các chị trong nhà gói từng phần thức ăn rồi gửi dì đem về cho tôi. Mọi người vẫn cứ bảo “Con Thưa nó sướng chưa? Lúc nào bà cũng chừa phần cho nó!”
Từ bà, tôi học được nhiều điều để trở thành một người phụ nữ của gia đình, bởi không gì có thể quý hơn bữa cơm sum họp đầm ấm bên gia đình của mình. Dù bận rộn cách mấy, ngày cuối tuần phải là ngày dành cho gia đình mình một cách trọn vẹn.
Từ bà, tôi học được đức tính sống chan hòa với tất cả mọi người. Từ người già cho đến trẻ con, bà đều dành những cử chỉ trìu mến thân thiện nhất. Cho dù bạn là ai, thành phần nào trong xã hội bà đều dành tình cảm như nhau. Khi bà mất, biết bao người lặng lẽ đến đưa tang, biết bao người không cầm được nước mắt. Những vòng hoa, những nén hương được thắp lên bằng một tình cảm chân thành.
Năm ngày trước khi bà mất, khi tôi sang thăm. Bà còn cầm tay tôi hỏi “đứa nào vậy”. Tôi trả lời: “Dạ con! Con là Thưa. Bà bác phải khỏe hơn hôm nay nha, còn nhiều món ăn con chưa học xong mà”. Tôi thấy bà nhoẻn miệng cười, nét cười thoáng mệt mỏi nhưng rất hiền hậu. Bà còn bảo tôi về sớm vì đường xa và trời tối đi rất nguy hiểm. Tính bà như vậy đó, ngay cả lúc nằm trên giường bệnh vẫn không quên nhắc nhở lo lắng cho con cháu.
Hôm nay ngay ngày Thất đầu của bà, tôi đã dành thời gian làm thật nhiều món ăn mà sinh thời bà rất thích ăn, như để tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến một người bà đáng kính. Món quà quý giá nhất bà để lại cho tôi chính là một nhân cách lớn về lối sống dung dị, điềm đạm, nhân hậu mà tôi cần phải học. Dù không được làm cháu dâu như bà từng mong muốn, nhưng tôi luôn xem mình như cháu ruột của bà. Thắp nén hương trước di ảnh của bà, và tôi thầm hứa:
“Con sẽ luôn sống tốt để đền đáp lại những tình cảm bà đã dành cho con, bà ngoại thứ hai của con!”
Bên trong phong bì là một số tiền không quá lớn, nhưng tình cảm bà dành cho tôi không gì có thể đo đếm được. Dì tôi bảo trước lúc biết mình có thể ra đi, bà đã gọi cô Tư (con gái của bà) đến và dặn dò tất cả. Và ai cũng không ngờ là bà đã dặn gửi lại cho tôi bao lì xì này.
Bà không phải bà ruột của tôi, bà là mẹ của dượng rể. Chính vì điều này mà tôi thật sự bất ngờ khi nhận lấy bao lì xì của bà. Cảm giác lúc này cũng không thể tả bằng con chữ nào cả. Bỗng thấy dòng nước mắt chực trào tự chính con tim mình. Bà đã ra đi nhưng trong tim tôi vẫn còn nhớ như in những lời bà từng dạy.
- Con bao nhiêu tuổi mà người chút xíu vậy?
- Dạ! Thưa bà bác, con 19 tuổi.
- Trời! 19 tuổi mà gầy nhom như 13. Nghe má Diệp nói con học đại học mà bà không tin.
Câu chuyện của bà và tôi chỉ vỏn vẹn vài ba câu rồi tôi xin phép dọn dẹp phụ dì và rửa đống chén còn dang dở. Tôi thấy bà quan sát tôi từng cử chỉ một, rồi bà cười:
- Con nhỏ vậy mà giỏi, phải chi nó chịu làm cháu dâu của mình.
Câu nói của bà làm cả nhà nhìn tôi cười. Từ đó trở đi, mỗi khi có dịp sang nhà bác hai là tôi nghe mọi người đều đùa “cháu dâu” như thế. Tôi biết bà quý mình nên nói vậy, chứ thực lòng tôi không suy nghĩ nhiều về câu nói ấy. Tôi xem bà cũng như bà nội, bà ngoại của tôi. Lần nào sang thăm, tôi cũng hay trò chuyện cùng bà, có khi bóp chân bóp tay cho bà đỡ mỏi hoặc thỉnh thoảng học ở bà nhiều món ăn mới. Tôi học ở bà sở thích nấu ăn, dù đã gần 80 tuổi nhưng bà rất khéo léo trong việc này. Tôi thích nhất món chuối hột nấu cá lóc theo gu người Vũng Tàu mà bà hay làm. Thế là có hôm hai bà cháu lại làm rộn ràng cả khu bếp. Có một câu nói của bà mà tôi luôn nhớ “Món ăn dù ngon hay dở cũng không quan trọng bằng cách con dùng trái tim mình chăm chút cho bữa cơm gia đình. Có thể nó không ngon lắm nhưng nó cần phải thu hút người thưởng thức qua cách bài trí. Đó mới chính là nghệ thuật.”
Tôi vẫn nhớ những tình cảm mà bà dành cho tôi. Không chỉ là những lời dạy dỗ, mà còn đầy ắp sự yêu thương quan tâm tôi. Có lần bên nhà đám giỗ, tôi bận đi làm không ghé được. Bà bảo các chị trong nhà gói từng phần thức ăn rồi gửi dì đem về cho tôi. Mọi người vẫn cứ bảo “Con Thưa nó sướng chưa? Lúc nào bà cũng chừa phần cho nó!”
Từ bà, tôi học được nhiều điều để trở thành một người phụ nữ của gia đình, bởi không gì có thể quý hơn bữa cơm sum họp đầm ấm bên gia đình của mình. Dù bận rộn cách mấy, ngày cuối tuần phải là ngày dành cho gia đình mình một cách trọn vẹn.
Từ bà, tôi học được đức tính sống chan hòa với tất cả mọi người. Từ người già cho đến trẻ con, bà đều dành những cử chỉ trìu mến thân thiện nhất. Cho dù bạn là ai, thành phần nào trong xã hội bà đều dành tình cảm như nhau. Khi bà mất, biết bao người lặng lẽ đến đưa tang, biết bao người không cầm được nước mắt. Những vòng hoa, những nén hương được thắp lên bằng một tình cảm chân thành.
Năm ngày trước khi bà mất, khi tôi sang thăm. Bà còn cầm tay tôi hỏi “đứa nào vậy”. Tôi trả lời: “Dạ con! Con là Thưa. Bà bác phải khỏe hơn hôm nay nha, còn nhiều món ăn con chưa học xong mà”. Tôi thấy bà nhoẻn miệng cười, nét cười thoáng mệt mỏi nhưng rất hiền hậu. Bà còn bảo tôi về sớm vì đường xa và trời tối đi rất nguy hiểm. Tính bà như vậy đó, ngay cả lúc nằm trên giường bệnh vẫn không quên nhắc nhở lo lắng cho con cháu.
Hôm nay ngay ngày Thất đầu của bà, tôi đã dành thời gian làm thật nhiều món ăn mà sinh thời bà rất thích ăn, như để tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến một người bà đáng kính. Món quà quý giá nhất bà để lại cho tôi chính là một nhân cách lớn về lối sống dung dị, điềm đạm, nhân hậu mà tôi cần phải học. Dù không được làm cháu dâu như bà từng mong muốn, nhưng tôi luôn xem mình như cháu ruột của bà. Thắp nén hương trước di ảnh của bà, và tôi thầm hứa:
“Con sẽ luôn sống tốt để đền đáp lại những tình cảm bà đã dành cho con, bà ngoại thứ hai của con!”