Huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi có 3 làng câu mực trên vùng biển
Trường Sa của Việt Nam. Dù nhiều ngư dân ở đây đi biển không về nhưng
những người khác vẫn tiếp tục ra khơi.
Với hơn 100 chiếc tàu và 3.000
ngư dân, xã Bình Chánh là trung tâm của nghề câu mực biển Trường Sa ở
Bình Sơn - Quảng Ngãi. Bay giờ tàu được đóng to hơn, ngư dân đánh bắt xa
nhà dài ngày hơn. Hồi trước chỉ đi trong lộng, giờ tàu câu mực tiến ra
tới đảo Kiều Ngựa, chóp ngoài quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sinh nghề, tử nghiệp
Nghề
câu mực khơi ai cũng biết là nguy hiểm. Mỗi tàu chở theo khoảng 30
chiếc thúng. Cứ khoảng 17 giờ, nếu trời yên, biển lặng thì những chiếc
thúng tủa ra biển. Một đêm phiêu dạt, sáng hôm sau tàu mẹ vớt về, nếu
thiếu một thúng hoặc chỉ thấy thúng không nghĩa là đã mất một ngư dân.
“Trước
đây, dân câu mực dưới thúng luôn gặp nguy hiểm do thiếu thiết bị liên
lạc. Bây giờ đã có máy thông tin rồi mà sao đầu năm tới nay vẫn có tới 5
ngư dân thiệt mạng?”.
Nghe tôi thắc mắc, ông Dậu, thuyền trưởng
tàu câu mực trên 400 CV ở Bình Chánh, giải thích: “Nhiều ngư dân biến
mất mà không để lại dấu vết gì, anh em trên tàu chỉ biết rắc gạo xuống
nước tạ từ”.
Giáp Tết 2011, cả làng chài ở Bình Chánh nhốn nháo
bởi ngư dân Đào Văn Hải (45 tuổi) chết mất xác. Ông Hải là một ngư dân
lão luyện của Bình Chánh.
Ông Thanh, một ngư dân đi cùng với ông
Hải, kể lại: “Bữa đó biển Trường Sa yên lắm. Anh em điện qua lại nói
chuyện. Anh Hải nói câu được nhiều mực, vậy mà lát sau gió tới thì mất
liên lạc…”. Khoảng 5 giờ sáng, một cơn dông bất ngờ ập đến, thúng trôi
tứ phía. Tàu mẹ lao đi tìm từng thúng nhưng chiếc của ông Hải biến mất.
Cụ
Bùi Thị Hường (84 tuổi) đôi mắt như nhòa đi vì khóc con. Cuộc đời của
cụ vậy là mất 2 người con trai. Năm 1996, ngư dân Đoàn Luật, con trai
lớn của cụ, bị trôi thúng mất tích.
Mẹ chồng phải dựa lưng với
nàng dâu và 5 đứa cháu. Giờ lại đến ngư dân Đào Văn Hải. Ông Hải chết,
cụ lại gánh thêm 2 đứa cháu nội. Tất cả 7 đứa cháu đều phải học hành dở
dang vì mất cha…
Ngày 18/2, sau 6 ngày tìm kiếm tuyệt vọng, ngư
dân ngoài biển điện vào bờ báo cho gia đình lập bàn thờ gọi hồn cho ông
Hải. Bà Huỳnh Thị Nam, vợ ông, trở thành hòn vọng phu ngóng ra biển.
Cụ Bùi Thị Hường và cháu nội thẫn thờ trước cái chết của ngư dân Đào Văn Hải
Từ
khi báo tin bị nạn, dân làng câu mực Bình Chánh có 21 ngày để ngóng
chờ. Đó là những ngày sầu thảm nhất đời của những thân nhân người gặp
nạn trên biển. Sau 21 ngày, bàn thờ ngư dân Đào Văn Hải được lập cạnh
mép biển rồi nặn hình nhân gọi người gặp nạn trở về. Một thầy cúng được
mời đến làm hình nhân.
Đất sét tại lò gạch đã nhào trộn, căn cứ
vào hình dáng của ngư dân Đào Văn Hải, một bức tượng như thật được nặn
ra. Xương cốt được làm từ cành dâu, ruột bằng lòng đỏ trứng gà, lòng
trắng trứng rải khắp tượng thay cho huyết tương…
Tại bàn thờ được
lập trên bãi biển, bà Nam và 2 người con quỳ gối khấn nguyện hồn chồng.
Gieo hai đồng tiền xin keo, bà Nam hét vọng ra biển: “Chư thần chiếu
thả chồng con về không?”. Nhoài người lên bàn thờ, người đàn bà nước mắt
lưng tròng ôm linh vị chồng lao về nhà đặt lên chiếc quan tài trống
không…
Năm nào làng câu mực Bình Chánh cũng có những đám tang
hình nhân. Người thân mất xác, việc làm hình nhân trở thành niềm an ủi
rất lớn đối với cha mẹ, vợ con của các ngư dân chết vì câu mực ở Trường
Sa. Nghĩa địa làng biển Bình Chánh đầy rẫy những ngôi mộ gió của dân câu
mực. Trong những ngôi mộ đó là những hình nhân bằng đất sét.
Ở
đảo Lý Sơn, mộ gió bao giờ cũng để trống mặt trên, nếu gia sự bất an thì
người ta đào mộ lên và chỉnh sửa lại hình nhân. Còn ở làng biển Bình
Chánh, hình nhân vĩnh viễn yên nghỉ dưới trảng cát cháy nắng.
Ngư
dân Ngô Văn Đại ở Bình Chánh đúc kết: “Dân câu mực khi gặp nạn thì chết
đủ kiểu: Gió úp thúng, ngủ gục rớt xuống biển, bị tàu “lạ” nhấn chìm
nhưng mà sinh nghề, tử nghiệp cũng là chuyện thường”.
Hiểm nguy chực chờ
“Giữa
biển Trường Sa, nửa đêm rạng sáng, anh em câu mực hay gặp chuyện kỳ dị
lắm” - ngư dân Bùi Quang ở Bình Chánh tiết lộ. Có một lần, khi vừa xem
đồng hồ thấy kim chỉ 2 giờ sáng, Quang tính rít một điếu thuốc cho đỡ
buồn ngủ thì tai nạn ập đến.
Xào... xào... phừng! Âm thanh từ nhẹ
nhàng, mơ hồ rồi trỗi dậy như một cơn cuồng phong. Trong đêm đen, sóng
biển dựng lên một bức tường nước mờ mờ ảo ảo. “Cứu tôi với!” - anh la
to, chồm người ra ôm lấy be thúng. Chiếc thúng bị đưa lên cao rồi đáp
xuống trong tư thế lật nghiêng, đổ Quang xuống biển.
“Lúc đó, tôi
tin chắc là mình sẽ chết thôi” - Quang nhớ lại. Sải tay bơi cật lực
trong những lượn sóng kỳ dị, anh đưa tay vồ được chiếc thúng nửa nổi nửa
chìm. Lên thúng, Quang nằm ngửa để hoàn hồn. “Mạng sống vậy là còn giữ
được”- anh thở phào.
Theo ngư dân câu mực Bình Chánh, ở Trường
Sa, nhiều khi đang ngồi câu, bất chợt một con sóng như trên trời trút
xuống, nếu ngư dân sơ ý là văng xuống biển tiêu mạng; còn nằm trên thúng
thì ra tay tát nước cật lực để thúng nổi.
Hai con của anh Tùng còn quá nhỏ, chưa hiểu được chuyện sinh tử, ly biệt…
Sợ
nhất là cá mập vây thúng, lượn lờ như sóng ma. Gặp hoàn cảnh đó, ngư
dân phải khấn thầm: “Tội mà, tôi làm ăn, ông đi đi cho tôi nhờ”.
Đôi
khi, có con cá to như gốc cổ thụ quật đuôi vào thúng, vậy là ngư dân bổ
nhào xuống nước. Có khi bầy cá mập đi qua, không ít ngư dân trở thành
miếng mồi ngon cho những hung thần khát máu của đại dương.
Trong
chuyến biển tháng 3/2011, ngư dân Nguyễn Văn Thi (23 tuổi) ở Bình Chánh
vừa vào đến bờ vội vàng bán thúng, giã từ nghề câu mực, chuyển sang đi
lưới mành gần bờ.
Thi cứ lắc đầu khi người thân hỏi nguyên nhân.
Gặng hỏi mãi, cuối cùng anh mới hé lộ chuyện lúc mờ sáng mà mình gặp ở
giữa biển Trường Sa. “Tôi không dám kể vì sợ dân câu mực mất tinh thần”-
anh giải thích.
Hôm đó, Thi đang câu mực cách thúng bạn khá xa.
Biển tối đen như hũ nút. Trên thúng le lói chiếc đèn dầu và âm thanh
khọt khẹt của chiếc máy Icom 3 băng.
Bỗng nhiên, chiếc thúng của
Thi bị một con sóng đưa lên thật cao rồi lại dìm xuống nhiều lần. “Tôi
cứ tưởng mình xuống âm ti rồi. Hồn vía không còn, chỉ đến khi tôi cầu
khấn trời đất, ông bà xin tha mạng thì con sóng kia mới chịu rút đi”-
Thi nhớ lại.
Mới đây, tai vạ đã ập xuống gia đình ngư dân Ngô
Phường (47 tuổi). Chiều 1/6, ông xuống thúng câu đi câu mực trên vùng
biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nửa đêm, ông vẫn còn lên
máy Icom hớn hở thông báo về đất liền một chuyến biển trúng đậm mực. Vậy
mà không lâu sau đó, một ngư dân trên tàu nghe một âm thanh mơ hồ giống
như tiếng gào… Sáng ra, tàu mẹ lượn một vòng để tìm thúng. Thúng ông
Phường rỗng không, các ngư dân lạnh toát cả người.
Đám tang với
hình nhân đất sét của ông Phường được cả làng đến tiễn đưa. Người dân
thương cảm vì ông có hoàn cảnh đặc biệt: Vợ bị u não ngồi một chỗ, con
chưa đứa nào trưởng thành.
Là một đảng viên gần 30 tuổi Đảng, ở
địa phương, ông là một người sống gương mẫu, tuy gia cảnh luôn nghèo
khó. Hai em Ngô Thị Tiền và Ngô Thanh Tiến, con ông, là học sinh giỏi
nhưng đều phải bỏ học nửa chừng.
***
Ám ảnh tàu “lạ”
Ngày
1/1, tàu QNg 95104 TS của ông Nguyễn Hạnh ở Bình Chánh thả ngư dân
xuống thúng đi câu mực. Ngư dân Lê Văn Sơn câu gần với thúng của ngư dân
Hồ Đông Tùng. Trời vừa sập tối, Sơn nghe tiếng anh Tùng la to trên máy
Icom: “Có tàu lạ đi vô vòng thúng câu mực, anh em coi chừng!”. “Vô tới
đâu, nó gần tới chưa?”- các ngư dân còn lại gào vào máy Icom rồi ngước
nhìn về phía chiếc thúng của anh Tùng. Chiếc thúng này vẫn le lói ngọn
đèn. Bất chợt, bóng một con tàu khổng lồ hiện trên nền trời, cắt ngang
chiếc thúng nhỏ nhoi. Ánh đèn của chiếc thúng vụt tắt. Các ngư dân gào
lên, chèo lại gần thì anh Tùng và chiếc thúng đã bị chiếc tàu “lạ” nhấn
chìm trong xoáy nước cuồn cuộn.
Bỏ công sức tìm kiếm cả ngày lẫn đêm, các ngư dân chỉ thấy những mảnh thúng vô hồn trôi dập dềnh trên sóng nước.
Bình
Chánh xáo động bởi tai nạn của ngư dân Hồ Đông Tùng. Tùng xuất thân từ
một gia đình đi biển lão luyện. Kinh nghiệm câu mực gần 20 năm của anh
khiến nhiều người phải kiêng nể. Khi Tùng bị nạn, cha và anh của Tùng
vẫn đang cầm lái chở ngư dân đi câu mực khơi ở Trường Sa. Chị Phạm Thị
Hà, vợ Tùng, mới ngoài 30 tuổi đã trở thành góa phụ, một nách gánh 2 con
nhỏ.
Cầm tấm ảnh cha trong đám tang, cháu Hồ Ngọc Hân, 7 tuổi,
nói với em: “Ba Tùng đó. Ba Tùng đi biển chưa về”. Cháu Hồ Ngọc Hiếu,
đứa em mới 24 tháng của Hân, chưa hiểu được chuyện sinh tử, ly biệt. Đặt
ngón tay nhỏ nhắn lên tấm ảnh, đứa bé cứ ấn mạnh vào mặt ba Tùng, miệng
bi bô nói không thành câu…
Theo Người lao động