Airflow Management Blanking Panel là gì?
Thông thường khi bố trí thiết trong tu rack , một số thiết bị sẽ được đặt sát bên dưới (thường là server, SAN, UPS,…), trong khi một số thiết bị khác được đặt ở vị trí cao hơn (Tape Drive, KVM, Switch,…). Bên cạnh đó, không phải lúc nào số lượng thiết bị cũng đủ để lấp đầy tu rack , vì vậy mà sẽ có những khoảng trống, thường là ở khoảng giữa.
Blanking Panel là tấm chắn được gắn vào mặt trước của tu rack nhằm che các khoảng trống đó.
Tại sao phải sử dụng Airflow Management Blanking Panel?
Như các bạn đã thấy, luồng không khí lạnh đi vào từ mặt trước và đi ra mặt sau của server, lúc này luồng không khí trở nên nóng hơn do hấp thu nhiệt bên trong server. Sự di chuyển này tạo ra một sức hút lôi kéo không khí ở phía trên và dưới server chạy về mặt trước server. Nếu ở trên hoặc dưới server là khoảng trống thì điều gì sẽ xảy ra thì ta sẽ thấy khá rõ.
Dòng đối lưu đã làm cho một phần không khí nóng ở mặt sau server chạy ngược về mặt trước, sau đó được hút vào bên trong server một lần nữa. Rõ ràng điều này đã tác động không tốt đến hiệu quả làm mát, nhiệt độ server lúc đó sẽ tăng lên đáng kể. Đối với các data center có lắp đặt hệ thống giám sát môi trường (EMS), trong các tu rack thường được gắn các sensor cảm biến nhiệt độ, hệ thống EMS sẽ nhận ra nhiệt độ đang tăng cao, và nó sẽ yêu cầu máy lạnh hoạt động nhiều hơn, thậm chí có thể là hoạt động liên tục ở mức cao. Hậu quả là chi phí điện năng tăng lên đáng kể đồng thời tuổi thọ của máy lạnh cũng giảm đi.
Để khắc phục vấn đề trên, chúng ta cần gắn Blanking Panel để ngăn luồng khí nóng quay trở lại mặt trước tu rack theo như hình bên dưới:
Có một thực tế xảy ra phổ biến ở Việt Nam là các tu rack đa số không được gắn Blanking Panel. Nguyên nhân là phần lớn những người phụ trách IT không biết hoặc hiểu sai chức năng của Blanking Panel, một số khác thì hiểu rõ nhưng lại đánh giá thấp tầm quan trọng của nó.
Airflow Management Blanking Panel thật sự hiệu quả như thế nào?
Chúng ta hãy tham khảo kết quả thu được từ một thử nghiệm thực tế của hãng APC. Rõ ràng là khi sử dụng Blanking Panel thì nhiệt độ của các server nằm ở phía trên và dưới khoảng trống đã giảm đi rõ rệt.
Các bạn có thắc mắc tại sao ở hình bên trái, server ở trên lại nóng hơn server ở dưới? Tôi chắc rằng các bạn sẽ trả lời ngay là do hiện tượng đối lưu nhiệt nên không khí lạnh tập trung ở bên dưới nhiều hơn. Đây cũng có thể là một câu trả lời đúng, nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng do thử nghiệm được tiến hành với máy lạnh kiểu Down Flow. Vậy thì máy lạnh kiểu Down Flow là gì? Câu trả lời xin hẹn ở bài viết sau: “Một số kiểu phân phối khí lạnh trong Data Center”.