Ngày 6-5, ông Châu Quốc Khải, Giám đốc Nhà máy gỗ Cà Mau (P.9, TP.Cà Mau, Cà Mau), bức xúc cho biết: “Công ty buộc phải cho 500 công nhân nghỉ và đóng cửa nhà máy dài hạn vì thiếu nguyên liệu sản xuất”.
Sau gần hai tháng, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau vẫn chưa thể di dời hai cây cột điện trung thế Sau gần hai tháng, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau vẫn chưa thể di dời hai cây cột điện trung thế - Ảnh: Gia Bách
Theo ông Khải, gỗ nguyên liệu từ cây keo lai vào tuổi thu hoạch nhưng không vận chuyển bằng đường thủy được do Chi cục Kiểm lâm Cà Mau xây nhiều đập trên tuyến kinh chính. Trong khi chờ có cẩu để đưa gỗ về nhà máy thì không biết đến bao giờ.
Trên thực tế, từ năm 2007, tỉnh Cà Mau bắt đầu trồng cây keo lai trên đất rừng sản xuất (khoảng hơn 30.000 ha) và đến nay đã đủ tuổi khai thác. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, năm 2015, khu vực rừng sản xuất ở U Minh Hạ được phép khai thác đến hơn 4.000 ha, trong đó có cả keo lai lẫn cây tràm bản địa. Dự kiến từ năm 2016 trở đi, sản lượng khai thác gỗ tại cánh rừng sản xuất của U Minh Hạ sẽ cho sản lượng gỗ trên 600.000 tấn/năm.
Tháng 10.2013, UBND tỉnh cho chủ trương làm cẩu dây ở xã Khánh Thuận để vận chuyển gỗ ra ngoài đê bao của rừng, phục vụ hoạt động chế biến của các nhà máy. Thế nhưng các ngành liên quan đùn đẩy trách nhiệm vì vị trí đặt cẩu vướng hai cột điện trung thế. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm di dời hai cây cột điện trên để nhà đầu tư lắp đặt cẩu nhưng hai tháng qua, hai cây cột điện vẫn chưa được di dời. Trả lời Thanh Niên, ông Trần Quốc Nam, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi - đơn vị được Sở NN-PTNT giao trách nhiệm di dời hai cây cột điện, lý giải việc chậm dời là do phải làm theo quy trình xây dựng cơ bản hiện hành. Ông Nam cũng không biết được bao giờ mới dời xong hai cột điện.
Theo tính toán của các công ty lâm nghiệp tại U Minh Hạ, sản lượng gỗ có thể khai thác trong năm 2015 không dưới 400.000 tấn. Nếu tình hình không được cải thiện sẽ gây lãng phí rất lớn.
Theo GIA BÁCH (thanhnien.com.vn)