(Baotinnhanh.vn) - Thành phố Cà Mau là trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Cà Mau với số dân gần 300.000 người, được trung ương công nhận đô thị loại 2 vào năm 2010.
Một góc TP Cà Mau
Theo kế hoạch phấn đấu, đến năm 2020 Cà Mau sẽ đạt được các tiêu chí đủ để trở thành đô thị loại 1.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Hồ Trung Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cà Mau cho biết nhằm đạt tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2020, quy hoạch phát triển thành phố Cà Mau giai đoạn 2015-2020 đã được lập theo hướng ưu tiên dành nguồn vốn 500 triệu USD đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa và xã hội.
Theo quy hoạch, một số công trình được thực hiện gồm nạo vét, xây bờ kè tuyến sông Cà Mau tổng chiều dài 10km, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng viễn thông, đường giao thông nội ô.
Thành phố Cà Mau sẽ có 5 khu đô thị mới, hình thành trung tâm hoạt động văn hóa thể dục thể thao; xử lý ô nhiễm môi trường và trồng cây xanh.
Năm 2015 tỉnh sẽ phân cấp quản lý cụ thể, những công trình phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố sẽ do thành phố tự chủ trong đầu tư. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho thành phố Cà Mau phát huy sự năng động, sáng tạo trong đầu tư phát triển.
Nhằm bảo đảm có đủ nguồn vốn, chính quyền thành phố Cà Mau sẽ tập trung huy động từ 4 nguồn gồm vốn trung ương và tỉnh hỗ trợ; vốn từ các nhà đầu tư; vốn từ sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân thành phố; vốn trích một phần từ ngân sách thành phố. Trong đó, vốn từ các nhà đầu tư mang ý nghĩa quyết định.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Cà Mau là việc xây dựng thành phố Cà Mau không chỉ là trách nhiệm riêng của địa phương mà đây là việc làm chung của đảng bộ tỉnh, cùng chung sức xây dựng thành phố Cà Mau xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 của tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Sản xuất ngư-nông-lâm nghiệp đạt kết quả tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, thu hút dự án đầu tư, giải quyết việc làm và tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với năm 2013.
Đặc biệt, công tác đầu tư xây dựng được quản lý chặt chẽ hơn, công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, quyết toán dự án được tăng cường; khó khăn, vướng mắc được tập trung tháo gỡ, từ đó khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân đạt tăng so cùng kỳ. Tổng giá trị giải ngân đến ngày 12/11/2014 đạt 1.689 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch (2.680 tỷ đồng), tăng 16% so cùng kỳ (cùng kỳ giải ngân 1.462 tỷ đồng). Ước cả năm tổng giá trị giải ngân đạt khoảng 80 - 90% tổng kế hoạch vốn (không đạt 100% do một số nguồn vốn bổ sung trong năm được phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết tháng 6/2015).
Nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn tỉnh được tập trung xây dựng như: tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi (đã hoàn thành cầu Năm Căn và cầu Kinh Tắc), dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án thành phố Cà Mau, Khu tưởng niệm Bác Hồ giai đoạn 2, các tuyến đường ô tô đến trung tâm xã, các công trình thủy lợi, các công trình lưới điện, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, các trường học xây dựng đạt chuẩn quốc gia, các thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện, xã…; khởi công xây dựng mới các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV (đường Phan Ngọc Hiển nối dài; cầu Bàu Chấu; Trường THPT Quách Phẩm; khu A, B, C Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng), góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.
Huỳnh Như