Chiều 4.10, lãnh đạo Công an tỉnh Trà Vinh đã xác nhận thông tin về việc mất trộm sừng tê giác xảy ra tại dinh thự của ông Trầm Bê (Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) ở xã Hàm Tân (H.Trà Cú, Trà Vinh).
>> 'Biệt thự phía Tây Hà Nội không ai hỏi mua'
Hiện công an tỉnh đang chỉ đạo cho Công an H.Trà Cú khẩn trương xác minh, làm rõ vụ trộm.
Dinh thự ông Trầm Bê (ở Trà Cú, Trà Vinh) - nơi bị mất cắp sừng tê giác - Ảnh: C.T.V
Ông Trầm Bê lên tiếng
Trao đổi với Báo Thanh Niên chiều 4.10, ông Trầm Bê xác nhận: “Chiếc sừng của một con tê giác nhồi bông đặt tại quê nhà đã bị trộm cắp. Con tê giác thật này được một người bạn của tôi tặng, dài khoảng 4 m, được trưng bày tại nhà riêng ở Trà Vinh từ năm 2008 đến nay. Con tê giác có giấy tờ hợp pháp nên tôi mới trưng bày. Chiếc sừng gắn liền với con tê giác chứ không phải là chiếc sừng rời, còn chiếc sừng là thật hay không bây giờ đã bị bọn trộm lấy cắp thì làm sao kiểm chứng được nếu cơ quan chức năng có yêu cầu. Tôi cũng không biết được chiếc sừng này cân nặng bao nhiêu bởi nó gắn liền với con tê giác thì làm sao mà nói nó nặng đến 4 kg và càng không biết được nó có giá trị đến 4 tỉ đồng như có thông tin”.
Thanh Xuân
Trước đó, ngày 27.9, sau khi bảo vệ dinh thự của ông Trầm Bê phát hiện vụ mất trộm đã đến công an xã trình báo. Một số người dân sống gần dinh thự của ông Trầm Bê cho biết, dinh thự trên được ông xây cách đây khoảng 7 năm, hiện còn một số hạng mục trong giai đoạn hoàn thành. Cách đây vài ngày, họ có thấy công an xuống dinh thự trên để xác minh và khám nghiệm hiện trường.
Liên quan đến vụ việc này, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã gửi công văn tới Công an TP.HCM và Công an tỉnh Trà Vinh bày tỏ quan điểm về tính hợp pháp của sừng tê giác trong vụ mất trộm tại khu đất của gia đình ông Trầm Bê. Công văn viết: “Cuộc trao đổi của chúng tôi với Cites VN (Cơ quan Quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp) cho thấy ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào VN. Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi theo thông tin của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi cho rằng, chiếc sừng tê giác được đề cập đến trong bài báo mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc phụ trách Cites VN, xác nhận cơ quan này chưa cấp giấy phép cho ông Trầm Bê nhập khẩu sừng tê giác vào VN. Tuy nhiên, điều này chưa đủ căn cứ để khẳng định chiếc sừng mất cắp ở khu đất của gia đình ông Trầm Bê là có nguồn gốc bất hợp pháp.
“Ông Trầm Bê chưa được cấp giấy phép nhập khẩu sừng tê giác vào nước ta, nhưng trong trường hợp ông ấy chứng minh được chiếc sừng ấy được nhập về hợp pháp, thông qua giấy phép được cấp cho một người khác thì nghi vấn đó là sừng tê giác nhập lậu được loại bỏ. Trên thực tế, chúng ta chưa biết được liệu có ai đó đã tặng (cho) hoặc gửi ông Trầm Bê chiếc sừng tê giác ấy nên phải kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể đưa ra được câu trả lời chính xác nhất”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, quy định của Cites và pháp luật VN, việc buôn bán sừng tê giác bị cấm, chỉ cho phép xuất nhập khẩu mẫu vật săn bắn với mục đích phi thương mại với một số lượng mẫu nhất định và mẫu vật sống vì mục đích vườn thú.
Theo bộ luật Hình sự, người mua bán trái phép sừng tê giác có thể bị xử phạt hành chính lên tới 500 triệu đồng, thậm chí bị bỏ tù, mức án cao nhất lên tới 7 năm tù giam.
99% sừng tê giác nhập lậu vào VN “chảy” sang Trung Quốc
Từ 2006 đến nay, người VN nhập khẩu hợp pháp mẫu vật tê giác có giấy phép của Cites trung bình từ 10-30 mẫu vật/năm dưới hình thức mẫu vật săn bắn. Do mẫu vật săn bắn là sở hữu cá nhân nên việc kiểm tra, kiểm soát hay phát hiện việc buôn bán sừng tê giác là rất khó khăn.
Theo Cites VN, đến nay đã có 24 cá thể tê giác sống được nhập khẩu hợp pháp về VN và đang được các cơ sở nuôi dưỡng tốt, công tác quản lý, giám sát được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, không có trường hợp nào vi phạm.
Ông Đỗ Quang Tùng cho biết, từ 2006 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 11 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác từ nước ngoài vào VN, chủ yếu là từ châu Phi và 4 vụ buôn bán sừng tê giác trong thị trường nội địa, tịch thu hơn 100 kg sừng tê giác. Sừng tê giác nhập lậu vào VN chủ yếu qua đường hàng không, nhưng có tới 99% trong số này lại “chảy” sang Trung Quốc.
Trong bài viết hồi giữa tháng 9 trên website của WWF, chuyên gia Stéphane Ringuet cho biết trong số 43 người châu Á bị bắt trong năm nay tại Nam Phi vì liên quan đến những đường dây buôn sừng tê trái phép, có đến 24 người VN.
Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh
Những năm gần đây, nhiều người VN có nhu cầu sử dụng sừng tê giác để làm thuốc chữa các bệnh nan y. Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định, đến nay chưa có công trình nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào cho thấy tác dụng của sừng tê giác đối với sức khỏe của con người. Loại “dược phẩm” này cũng không được công nhận và có trong các bài thuốc được phép lưu hành.