Lấy bằng thạc sĩ ở Mỹ, nói tiếng Anh thành thạo, chàng trai 33 tuổi Quách Văn Ấn từ chối những lời mời ngọt ngào để về VN đeo đuổi ước mơ của mình: giữ sạch môi trường.
Ấn đang là phó trưởng phòng quản lý khoa học và công nghệ (Sở KH-CN Cà Mau), thành viên tổ thư ký Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, cầu nối với các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện các dự án có liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu...
Cầu nối của nhà khoa học
Các nhà khoa học quốc tế về Cà Mau thường tìm gặp Ấn nhờ làm “thổ địa”. Anh giải thích với khách về địa lý, đất đai thổ nhưỡng, vùng mặn - ngọt, đất phèn hay thịt, rừng tràm hay đước... bằng tiếng Anh vanh vách. Nhiều nhà khoa học quốc tế khi đến Cà Mau có ấn tượng rất tốt về anh.
Tháng 3-2010, khi dự hội nghị với UNESCO về Phát huy tập quán cộng đồng trong các khu dự trữ sinh quyển và di sản thiên nhiên thế giới ở VN, Ấn thấy quê mình có nhiều tiềm năng về mặt nước, đất đai, tôm, lúa, cá chưa khai thác hết, nhiều tập quán tốt của cộng đồng chưa phát huy. Đặc biệt, các nghề truyền thống còn tiềm ẩn nhiều nguồn lợi nhưng không được khuyến khích phát triển. Tài nguyên rừng bị khai thác không đúng và có nguy cơ cạn kiệt.
Ấn quyết tâm: “Dân mình nghèo nên... mắc cái eo. Giống như người bệnh chết trên đống thuốc vậy, phải hướng cho dân biết khai thác rừng mà vẫn giữ gìn, phát triển rừng bền vững”.
Lần dự hội nghị môi trường ở Úc tháng 11-2009, anh lên diễn đàn đọc báo cáo về “Gắn kết giữa khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và du lịch sinh thái”, không ngờ lọt vào mắt xanh của PGS - TS Nguyễn Hoàng Trí, tổng thư ký Ủy ban về con người và sinh quyển (MAB). Ông liền giới thiệu Ấn với tổ chức UNESCO đi dự tập huấn. Nhờ tham gia hoạt động khoa học quốc tế, Ấn “tiếp thị” quê hương mình nhiều hơn và “kéo” được nhiều dự án hợp tác môi trường. Hiện nay, Ấn còn làm tham mưu cho Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau về đối ngoại, bảo tồn đa dạng sinh học, kêu gọi các dự án đầu tư về môi trường.
Anh bộc bạch: “Vùng đệm khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau còn nhiều hộ dân nghèo. Họ bám lấy rừng, khai thác không kiểm soát nên tài nguyên bị xâm hại. Cần phải hướng dẫn họ cách nuôi ong lấy mật, nuôi cá bổi U Minh, làm tôm khô Rạch Gốc... gắn với phát triển thương hiệu đặc sản truyền thống địa phương để khá lên, có ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng”. Là trưởng nhóm nghiên cứu “Phát huy nghề truyền thống gác kèo ong vùng rừng U Minh Hạ”, Ấn mong muốn có nhiều dự án đầu tư vốn và kỹ thuật từ nước ngoài để phát huy tập quán canh tác và nghề truyền thống giúp bà con thoát nghèo. Từ đó mới mong bảo tồn và phát triển các giá trị của khu sinh quyển.
Quách Văn Ấn (thứ ba từ trái sang) cùng bạn bè khi đang học ở Mỹ |
“Nghiệp” môi trường
Ngay từ nhỏ Ấn đã sống trong vùng rừng sông nước (xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Chất quê ngấm vào xương thịt nên khi học xong đại học với tấm bằng loại giỏi (chuyên ngành môi trường Đại học Cần Thơ), Ấn xin về Cà Mau dù trường giữ lại.
Năm 2002-2003, người ta thấy anh chàng rắn rỏi này đi lại như con thoi xuống tận các xã, huyện để tập huấn cho cán bộ địa phương về ý thức sống thân thiện và biện pháp bảo vệ môi trường. Anh đến tận các sông rạch trong tỉnh lấy mẫu nước đem phân tích, dự báo ô nhiễm môi trường giúp bà con nuôi tôm.
Từ năm 2004, Ấn tham gia quản lý hơn 20 đề tài, dự án cấp tỉnh, trong đó có nhiều dự án chuyển giao trực tiếp tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thoát nghèo như: nuôi cá sặt rằn ở xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời), nuôi cá chình, cá bống tượng ở Tân Thành và An Xuyên (TP Cà Mau)... Trước đây bà con quen nuôi theo kiểu truyền thống, tự phát, cứ thả con giống tự nhiên, không có tác động kỹ thuật, năng suất rất thấp. Nhờ sự hướng dẫn, bà con làm theo có kết quả, rủ nhau áp dụng.
Năm 2004, Ấn nuôi ý định học tiếp thạc sĩ ở Mỹ. Nhưng vốn tiếng Anh còn ít, Cà Mau thì chưa có lớp, Ấn quyết tâm tự học, lấy bằng B loại giỏi. Sau đó Ấn nhờ thầy Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia môi trường (WWF tại VN), truyền thêm sức mạnh; thầy Nguyễn Văn Bé và Lê Quang Trí (ĐH Cần Thơ) giúp đỡ; năm 2005 săn được học bổng chuyên ngành khoa học môi trường - chính sách tại đại học Clark, bang Massachusetts (Mỹ).
Hai năm ở Mỹ, Ấn ngộ ra nhiều điều mà nếu ở nhà sẽ khó thấy. Tỉ như trước đây việc xử lý môi trường chỉ thuần kỹ thuật, nay đó là vấn đề mang tính xã hội, cần được xử lý bằng mối quan hệ từ cộng đồng tới cơ quan quản lý. Tháng 6-2008, Ấn lấy bằng thạc sĩ với bảng điểm hạng ưu, về nước tiếp tục làm việc tại Sở KH-CN Cà Mau.
Kiến thức học từ Mỹ được Ấn áp dụng vào cộng đồng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Anh xin về xã Trí Lực xây dựng đề án phát triển nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Út, nông dân xã Trí Lực, cho biết: “Ấn chịu khó lội đồng nên hiểu hết nguyện vọng bà con. Còn trẻ mà tâm huyết với quê hương, biết chia sẻ với người nghèo. Thiệt quý lắm!”.
Hiện Ấn ôm ấp những dự tính hơi bị... lớn: kêu gọi các dự án đầu tư trong và ngoài nước giúp dân vùng đệm thoát nghèo, giảm áp lực khai thác làm tổn hại rừng; bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn (đước, mắm, bần...), rừng nước ngọt (tràm, than bùn...); nâng các sản phẩm trong khu sinh quyển thành thương hiệu đặc sản mật ong, cá sặt rằn, tôm khô, tràm, đước......
DƯƠNG THẾ HÙNG
(nguồn:Báo Tuổi Trẻ)