Bắt được kẻ ăn trộm, thay vì giao cho cơ quan chức năng để giáo dục,
xử lý, người dân lại hò nhau đánh cho... hả giận. Những trận đòn hội
đồng ấy khiến cho không ít kẻ ăn trộm nhẹ thì phải nhập viện, nặng thì
dẫn đến tử vong.
Còn với những người tham gia bắt
trộm, chỉ vì phút nông nổi, thiếu sự nhận thức về pháp luật mà đã phải
rơi vào vòng lao lý. Thực trạng ấy đang tồn tại ở không ít những làng
quê trên cả nước, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần
đây.
Kinh hoàng những trận đòn hội đồng
Sự
việc tuy đã xảy ra cách đây 2 năm, tuy nhiên khi nhắc lại, nhiều người
dân xã Hưng Đông (TP Vinh - Nghệ An) và các khu vực xung quanh đó vẫn
còn chưa hết bàng hoàng. Khoảng 1 giờ sáng ngày 7-6-2010, khi người dân
của xã Hưng Đông đang chìm trong giấc ngủ thì nghe tiếng xe máy rú ga
chạy và có tiếng chó sủa. Nghi có kẻ trộm chó nhưng không ai ra khỏi
nhà. Sáng sớm ngày hôm đó, người dân đi làm đồng phát hiện thấy có một
người đàn ông bị đốt cùng với chiếc xe máy trên con đường giữa cánh
đồng. Nạn nhân bị cháy gần thành than, không thể nhận dạng, bốc mùi khét
lẹt, còn chiếc xe máy bị đốt chỉ còn trơ khung. Qua khám nghiệm hiện
trường tại vụ cháy, ngoài chiếc biển kiểm soát giả, cơ quan điều tra còn
thu được một bao tải bên trong có xác một con mèo và một cần câu chó
bằng sắt dài khoảng 80cm. Từ những vật chứng thu được, cơ quan chức năng
đã có kết luân nạn nhân là Nguyễn Đình Phong (27 tuổi), đối tượng
nghiện ma túy mới đi cai về, thường có hoạt động ăn trộm chó, mèo ở khu
vực xã Hưng Đông bị người dân bắt quả tang, đánh chết và đốt xác.
Đánh trộm rồi đốt xe
khi sự việc trên xảy ra khoảng gần 2 tháng, ngày 29-8-2010, công an
huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nhận được thông tin 2 kẻ ăn trộm chó đã bị
người dân xã Nghi Thịnh đánh chết tại hiện trường. Hai nạn nhân được xác
định là Nguyễn Đình Dũng và Nguyễn Đình Hồng cùng SN 1988 và trú tại xã
Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Khoảng 17h30 chiều ngày 29-8-2010,
khi trời nhá nhem tối, hai đối tượng rủ nhau sang xã Nghi Thịnh để ăn
trộm chó. Người dân nơi đây nghe tiếng hô đã ùa nhau ra đường và chứng
kiến cảnh hai thanh niên đi trên một chiếc xe máy đang kéo lê con chó
phía sau. Bị đuổi theo, hai thanh niên đã bỏ con chó lại nhưng vẫn bị
chặn đánh. Rất đông người cùng tham gia vào trận đòn hội đồng ấy khiến
một người chết tại chỗ, còn một người bị chết trên đường đưa đi cấp cứu.
Chưa hả giận, người dân nơi đây còn tiếp tục đốt chiếc xe máy của kẻ
trộm.
Còn tại Hà Nội, đêm 5-9-2011, hai anh em ruột là Nguyễn Văn
Dũng (SN 1980) và Nguyễn Thế Thạch (SN 1989) trú tại xã Liễn Sơn, huyện
Lập Thạch, Vĩnh Phúc rủ nhau đi ăn trộm chó. Khi bị phát hiện, Thạch
may mắn trốn thoát còn Dũng đã bị người dân đánh cho tới chết. Mới đây
nhất, khoảng 5 giờ ngày 27-6-2012, người dân thuộc xóm 2 xã Ngọc Sơn,
Quỳnh Lưu, Nghệ An phát hiện 2 đối tượng đi xe máy mang theo dụng cụ bắt
trộm chó. Sau khi câu được một con chó của nhà dân 2 đối tượng này bỏ
chạy nhưng bị người dân đuổi kịp. Do bức xúc trước tình trạng bị mất
trộm chó thường xuyên nên một người đã bị đánh hội đồng đến chết, người
còn lại đã nhanh chân tẩu thoát. Chiếc xe máy của 2 tên trộm đã bị người
dân châm lửa đốt trụi bên cạnh chiếc bao tải đựng 5 con chó vừa bị 2
đối tượng trên câu trộm.
Dù có lỗi của bị hại, vẫn bị đi tù
Không
kiểm soát được hành vi, không nhận thức được hành động vi phạm của
mình, nhiều người dân vốn có nhân thân tốt, chưa từng vi phạm pháp luật
đã phải rơi vào vòng lao lý. Trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh
trú tại thôn Võ Lăng, xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội là một điển hình.
Đang ngồi ăn cơm trong nhà thì anh Vinh phát hiện một đối tượng tìm cách
mở khóa để ăn trộm chiếc xe máy của anh chị đang dựng trước cửa nhà.
Thấy anh Vinh đối tượng lập tức bỏ chạy. Tức giận vì nếu không kịp phát
hiện tên trộm đã có thể lấy được chiếc xe máy, chủ xe quyết tâm phải bắt
cho bằng được. Nghe tiếng hô hoán của anh Vinh rất đông người dân Võ
Lăng đã chạy ra quây cánh đồng nơi kẻ trộm ẩn náu và sau đó bắt được kẻ
trộm đang lẩn trốn trong ruộng lúa. Tuy nhiên thay vì đưa lên cơ quan
công an, anh Vinh và một số người đã xông vào đánh hội đồng khiến đối
tượng gục chết ngay tại ruộng.
đó họ lôi thi thể lên đường 21B vứt ở khu vực giáp ranh giữa xã Dân Hòa
và xã Phương Trung (Thanh Oai - Hà Nội). Khám nghiệm tử thi cho thấy
nạn nhân chết do bị đánh vỡ tim, vỡ gan, dập lá lách, tử vong do mất máu
cấp. Qua điều tra, công an huyện Thanh Oai đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn
Vinh cùng 6 đối tượng khác đã tham gia vào việc đánh đập gây ra cái chết
cho kẻ trộm. Tại phiên tòa xét xử sau đó, mặc dù đã được xem xét tới
tình tiết giảm nhẹ là lỗi một phần của bị hại và việc nạn nhân chết nằm
ngoài mong muốn của các bị cáo, song bị cáo cùng đồng phạm đã bị Tòa án
nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt mức án từ 7 đến 10 năm tù giam.
Cách
đây chưa lâu, Toàn án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử 8 bị
cáo (tuổi từ 23 đến 66) đều trú tại xã Cố Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh với
tổng hình phạt 24 năm 6 tháng tù vì tội giết người, ngoài ra các bị cáo
còn phải bồi thường cho bị hại 117 triệu đồng. Nguyên nhân của vụ việc
xuất phát từ việc các bị cáo phát hiện có đối tượng đến xóm 12 xã Cố Đạm
để ăn trộm gà và chậu nhôm. Khi đuổi theo và bắt được kẻ ăn trộm, các
bị cáo đã hô hoán nhiều người dùng dao, gậy sắt, gậy tre đánh kẻ trộm
khiến người này bị chết. Ở một trường hợp khác, chỉ vì nghi ngờ người đi
qua thôn là kẻ ăn trộm chó mà Lê Công Tôn (55 tuổi) là phó thôn Lê
Pháp, Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội cùng với một số người trong thôn đã
dùng gậy gộc (được trang bị sẵn) đánh hai thanh niên tới mức bị gẫy
xương sườn, xương ức, dập phổi, vỡ gan và bị tử vong. Là người đứng đầu
và bàn bạc với các thành viên khác trong thôn về việc rình bắt trộm, Lê
Công Tôn đã bị Toàn án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù, các bị
cáo khác đều nhận mức án từ 12 đến 18 năm tù về hành vi giết người.
Phải tuân theo pháp luật
Có
thể thấy, thực trạng đánh chết kẻ trộm xuất phát từ nguyên nhân thiếu
hiểu biết pháp luật của người dân. Sự tức giận khi bị mất của khiến cho
phần đông có suy nghĩ muốn được đánh để cho… bõ tức. Thêm nữa, tâm lý
đám đông khiến cho nhiều người tham gia vào việc “xử” tên trộm, hoặc làm
nhục đối tượng phạm tội mà không nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra với
người bị đánh cũng như việc vi phạm pháp luật.
Luật sư Trần Đình
Triển, Văn phòng luật sư Vì dân cho biết: Tùy theo tình huống kẻ trộm bị
đánh chết như thế nào mà áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý.
Nếu kẻ trộm không có vũ khí, không có hành vi tấn công lại người truy
đuổi, vây bắt thì người đánh chết người bị buộc tội giết người theo Điều
93 của Bộ luật Hình sự. Còn nếu trong trường hợp kẻ trộm có tổ chức
như: hành động một cách bài bản, có vũ khí nóng mang theo người, chủ nhà
vì quá sợ hãi bị đe dọa đến tính mạng của bản thân nên có hành vi đánh,
tấn công dẫn đến chết kẻ trộm thì chỉ áp dụng khung hình phạt tại Điều
96 là Tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu áp dụng
tội giết người trong trường hợp này là không công bằng với người truy
bắt. Bởi trên thực tế đã từng có nhiều vụ án xảy ra, việc kẻ trộm bị
chết là việc mà chủ nhà không mong muốn. Hành vi đánh lại trộm chỉ là
biện pháp phòng vệ chính đáng nhưng quá tay làm đối tượng bị chết. Đây
là hành động giết người không dự mưu tính toán trước
Trả lời câu
hỏi, người dân cần xử lý thế nào trong trường hợp bắt gặp đối tượng trộm
cắp, Đại tá Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm
học và phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân chia sẻ: Điều 82
Bộ luật tố tụng Hình sự quy định, đối với người đang thực hiện hành vi
tội phạm, ngay sau khi thực hiện hành vi tội phạm, đang bị đuổi bắt sau
khi thực hiện tội phạm, cũng như đang bị truy nã thì bất kể ai cũng có
quyền bắt và dẫn giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, Viện Kiểm
sát và UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản bắt giữ
người có hành vi phạm tội quả tang và chuyển đến cơ quan điều tra có
thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang thì bất kể ai cũng có quyền
tước vũ khí, hung khí của người phạm tội. Như vậy, qua đây có thể thấy
rất rõ, người dân không có quyền đánh chết trộm, cũng như là các hành vi
khác có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của đối tượng phạm
tội.
Đối với hành vi đánh chết trộm là hành vi phạm tội, tùy theo
tính chất, mức độ cũng như hành vi phạm tội của từng người có thể bị
truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều tương ứng. Đại tá Nguyễn Văn
Nhật cũng đưa ra khuyến cáo, khi tham gia vào việc bắt trộm, người dân
phải mưu trí, bình tĩnh và phải nắm vững được việc mình được quyền làm
cái gì, không được quyền làm cái gì, khi làm thì làm đến đâu để tránh
trường hợp sẽ vi phạm pháp luật. Còn đối với cơ quan chức năng, cần phải
làm tốt việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ thực thi pháp
luật, áp dụng pháp luật một cách đầy đủ chính xác.
Theo An Ninh Thủ Đô