Sự kiện 2 học sinh lớp 2 của trường tiểu học Kim Đồng vừa
may mắn được tìm thấy sau gần 20 giờ “mất tích” là một hồi chuông cảnh
báo đến các bậc phụ huynh, bởi không phải ai cũng may mắn tìm được con
như vậy…
Chiều tối 4/5, thông tin 2 bé
lớp 2, trường tiểu học Kim Đồng (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) đột nhiên
mất tích sau giờ tan học đã khiến không chỉ gia đình của 2 bé mà rất
nhiều phụ huynh khác lo lắng, giật mình. Nghĩ lại, nhiều người mới thấy
mình cũng đã quá chủ quan, lơ là đối với sự an toàn của con cái.
Anh
Hoàng Anh, nhà cũng ở khu vực thuộc phường Giảng Võ, có con gái học ở
trường tiểu học Ngọc Khánh cho cho biết, ngay khi nghe tin có 2 bé tiểu
học mất tích vì bố mẹ không đến đón đúng giờ, anh mới giật mình bởi vợ
chồng anh cũng thường xuyên đi làm về muộn, để con ở chơi lại sân
trường.
“Tôi cũng thường dặn con là nếu thấy bố mẹ về muộn chưa
kịp đón thì không được đi đâu mà nên ngồi ở chỗ bác bảo vệ để đợi bố mẹ.
Cháu cũng vâng dạ đấy, nhưng nhiều lần khi tôi đến đón thì đã thấy con
chạy đi chơi đâu đó, hoặc đến nhà một bạn ở gần trường để chơi” – anh
Hoàng Anh kể.
Trường hợp như bố con anh Hoàng Anh không phải là
hiếm, nếu không nói là khá phổ biến bởi trên thực tế, không phải bố mẹ
nào cũng đủ thời gian để về đón con đúng giờ. “Đường sá bây giờ đông
đúc, tắc đường, kẹt xe có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dù có cố gắng đến
mấy thì cũng không thể nói là lúc nào cũng về kịp đón con giờ tan học.
Ngoài ra, chưa kể đến việc có hôm ở cơ quan bỗng có cuộc họp kéo dài
quá, hoặc có việc đột xuất mà sếp giao cho nên về muộn” – chị Thủy, ở
khu tập thể Bộ Thủy sản trên đường Nguyễn Công Hoan nói.
Để đảm
bảo an toàn cho trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã từng có công văn
yêu cầu các trường bố trí giáo viên và cơ sở vật chất để trông giữ những
học sinh mà phụ huynh không thể đón con đúng giờ. Tuy nhiên, thực tế
thì ngoại trừ một số ít trường học có xe đưa đón học sinh, hoặc các
trường mẫu giáo có lớp trông trẻ đón muộn, còn hầu hết các trường đều để
học sinh “tùy nghi di tản”. Nếu đến bất kỳ một trường tiểu học nào vào
cuối giờ chiều, khi đã tan học, người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những
đứa trẻ đứng ngơ ngác trước cổng trường hoặc lang thang chơi trong sân
trong khi đợi bố mẹ. Điều này một phần do nhà trường không có lớp trông
giữ học sinh cuối giờ, nhưng chủ yếu có lẽ do tâm lý chủ quan của các
bậc cha mẹ.
Chị Nguyễn Thị Thu Trà, ở Ngọc Khánh, Ba Đình cho
biết, sau vụ việc xảy ra với 2 học sinh của trường tiểu học Kim Đồng,
chị mới giật mình bởi chính con gái chị cũng đã đôi lần xin phép mẹ đến
nhà bạn của con chơi sau giờ học. “Con gái tôi cũng học lớp 2. Nhà tôi ở
gần trường nên vợ chồng tôi thường để con tự đi, về. Tuy nhiên, thỉnh
thoảng cháu về nhà, dẫn theo mấy đứa bạn cùng lớp rồi lại xin phép để
đến nhà bạn chơi. Có lần, sau khi cùng 2 bạn khác đến thăm một bạn cùng
lớp bị ốm, mấy đứa còn rủ nhau tạt sang nhà bạn khác mặc dù tôi đã dặn
đi dặn lại là phải về nhà ngay. Con bé vốn ngoan ngoãn nhưng đôi khi vì
mải vui nên cũng quên lời mẹ dặn. Cũng may mà chưa có chuyện gì xảy ra.
Từ nay, chắc chắn tôi sẽ không để con đi một mình như vậy” – chị Trà rút
kinh nghiệm.
Trong khi đó, chị Thu, nhà ở phố Kim Mã cũng có một
kỷ niệm “khó quên” với cô con gái nhỏ. Năm ngoái, khi con gái chị mới
vào học lớp 1 được khoảng 1 tuần thì xảy ra sự cố. Hôm đó chị có việc
bận nên về muộn, đến trường thì không thấy con đâu. Chị tá hỏa gọi điện
cho cô giáo chủ nhiệm, lúc này đã về nhà, thì cô mới giật mình vì tưởng
phụ huynh đã đón học trò. Cả gia đình và cô giáo chia nhau đi khắp nơi
cũng không thấy bé đâu. Mẹ bé khóc lóc hoảng loạn vì sợ mất con. Thế
rồi, khoảng 1 tiếng sau thì bà nội gọi điện thông báo bé đã tự đi bộ về
nhà (cách trường khoảng 700m nhưng phải đi qua rất nhiều ngõ ngách và
sang đường 2 lần). Chị Thu sau lần ấy rút kinh nghiệm, hôm nào về muộn
là phải gọi ngay cho cô giáo của con, nhờ cô "để mắt" đến cháu.
Có quá nhiều bất trắc đối với trẻ
khi bố mẹ đến đón muộn - ảnh minh họa VNN
Quá nhiều bất trắc
Cũng
may, phần lớn các trường hợp “mất tích” tạm thời là do các bé mải chơi,
đi lạc và cuối cùng bố mẹ cũng tìm thấy. Tuy nhiên, đã có khá nhiều vụ
đáng tiếc xảy ra, trong đó có cả những vụ hết sức đau lòng.
Khoảng
6 giờ 30 phút ngày 3/9/2008, một học sinh lớp 5 trường tiểu học Tân Lập
1 (đường Tô Hiến Thành, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã bị bắt cóc ngay
trước cổng trường. Kẻ bắt cóc đã dùng thủ đoạn dụ dỗ bé L. bằng cách nói
dối chở đi chơi, cho ăn uống, chơi điện tử rồi hỏi số điện thoại của bố
mẹ để gọi điện tống tiền. Rất may các chiến sĩ công an sau đó đã bắt
được kẻ bắt cóc và giải cứu cháu bé.
Một vụ bắt cóc học sinh tiểu
học khác cũng xảy ra trước đó, nhưng nạn nhân đã không được may mắn như
bé L kể trên. Năm 2007, bé Nguyễn Tiến Trường, 7 tuổi, học sinh lớp 2A
trường Tiểu học Thanh Long (Thanh Chương), bị mất tích và được tìm thấy
đã chết trong tư thế tay chân đều bị trói chặt bằng dây cao su và dây
thừng, một mắt bên trái bị móc, thân thể chưa bị trương phình, hay thối
rữa....
Vụ việc 2 cháu bé đi lạc và may mắn được tìm thấy hôm nay
một lần nữa lại là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và nhà trường,
giáo viên trong việc giữ an toàn cho trẻ. Tâm lý của lứa tuổi học sinh
tiểu học là tò mò, mải chơi, biết nghe lời nhưng dễ quên, cả tin… Vì
vậy, các bậc làm cha mẹ phải luôn luôn nhắc nhở trẻ những nguyên tắc để
tự bảo vệ bản thân như: Không tự ý rời khỏi trường học hoặc những nơi bố
mẹ dặn đứng chờ, không đi theo người lạ…
Ngoài ra, đối với nhà
trường học, sau vụ việc này chắc chắn cần phải rút kinh nghiệm, có kế
hoạch bố trí người và phòng chờ trông giữ học sinh khi bố mẹ đến đón
muộn. Ngoài các giờ học văn hóa, nhà trường cũng cần phân bổ thời gian
để truyền tải cho học sinh những kỹ năng sống để trẻ có thể tự xử lý tốt
trong những tình huống nguy hiểm.
Theo VnMedia