Một hộp đựng cơm làm bằng xốp. Ảnh minh hoạ: sinhcon.com. |
Một nửa số hộp đựng thức ăn dùng ở Trung Quốc chứa chất hoá học có khả năng gây ung thư.
Đó là kết luận của Dong Jinshi, phó chủ tịch Hiệp hội
đóng gói thức ăn quốc tế (IFPA) tại Hong Kong. Ông cho biết tình trạng
này ở các thành phố lớn thì đỡ hơn, khoảng 30% hộp thức ăn ở Bắc Kinh
không đạt tiêu chuẩn.
Theo báo cáo của IFPA vừa công bố tháng này, mỗi năm
người Trung Quốc sử dụng 15 tỷ hộp đựng thức ăn bằng bọt xốp, nhựa hoặc
bột giấy.
Mới đây các nhà nghiên cứu của IFPA đã đến hai nhà
hàng nổi tiếng ở Bắc Kinh là nhà hàng bánh bao Laobian 170 năm tuổi và
nhà hàng Dong Laishun. Xét nghiệm những mẫu hộp đựng ở đây cho thấy
chúng chứa một lượng lớn bột khoáng có thành phần gây ung thư.
Dong và tổ chức của ông vừa đệ đơn kiện hai nhà hàng này.
"Đây sẽ là vụ kiện đầu tiên mà trong đó luật An toàn
thực phẩm mới ban hành sẽ được vận dụng để bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng", China Daily dẫn lời Zhang Zhisheng, một luật sư ở Bắc Kinh, nói.
Dong cho biết chưa đến 10% số hộp đựng thức ăn làm
bằng bột giấy, đây là chất liệu an toàn hơn nhưng lại đắt hơn. Trong
khi đó số hộp đựng làm bằng bọt xốp và nhựa lại chiếm đến 45% thị phần.
Trung Quốc vừa ra quyết định cấm bán và sử dụng hộp
thức ăn bằng bọt xốp vì chúng có thể làm từ đồ phế thải. Còn loại hộp
nhựa thì một lượng lớn được sản xuất trong những nhà máy không có giấy
phép hoạt động.
Dong cho biết lợi nhuận đã khiến các nhà sản xuất coi
thường sức khoẻ người tiêu dùng. Giá bán sỉ của một hộp đựng thông
thường ít nhất là 0,15 tệ (gần 500 đồng) trong khi một chiếc chất lượng
thấp chỉ tốn nửa số tiền đó.
Tuy nhiên, theo những chuyên gia thực phẩm thì việc
phát hiện vi phạm là rất khó khăn. Theo quy định hiện tại, việc sản
xuất hộp thức ăn thuộc trách nhiệm của Cơ quan quản lý chất lượng,
nhưng khi sản phẩm đi ra thị trường thì Bộ Công nghiệp và thương mại
lại kiểm soát.
Và sau đó lại là nhiệm vụ của Bộ Y tế phải thanh tra các nhà hàng để kiếm ra những sản phẩm chất lượng tồi.
Hải Minh