Thứ năm, 10/09/2009 08:01 | ||
(CATP) Cứ ngỡ năm nay do El Nino bão sẽ mạnh, mưa lụt giảm. Nhưng không, mùa mưa lụt năm nay ở miền Trung diễn biến khá phức tạp khi chúng đến sớm hơn mọi năm gần cả tháng. Sắp có bão mới? Gặt lúa dưới trời áp thấp tại xã Điện Phước (Điện Bàn, Quảng Nam) Gió mạnh tối đa 55km/giờ, gió giật 75km/giờ, sóng biển cao tối đa 4,2m. Đó là những thông số của áp thấp nhiệt đới 90W (Maring, tên địa phương do Philippines đặt) đang có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Tây Philippines. Mạng dự báo của đảo quốc này ghi nhận sáng sớm 9-9-2009, tâm áp thấp nhiệt đới gần 16,6 độ vĩ Bắc 118,8 độ kinh Đông, có tầm hoạt động 400km, trực chỉ biển Đông. JTWC (Hải quân Hoa Kỳ) cũng ra cảnh báo về hiện tượng thời tiết xấu này và nhấn mạnh: trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đủ khả năng mạnh lên thành bão. Nếu đúng vậy, đây sẽ là bão thứ 12 tại ổ bão Tây bắc Thái Bình Dương của mùa bão năm nay. Mạng JMA (Nhật Bản) cũng đang theo dõi áp thấp nhiệt đới này với sức gió gần tâm bình quân 45km/giờ. Hồi 5 giờ sáng 9-9-2009, mạng Typhoon2000 của Philippines cho biết Maring đã và đang mang mưa to gió giật ngang qua phía Tây đảo Luzon và dự báo mưa sẽ lên đến 150 - 200mm. Cạnh đó, gió mùa Tây nam sẽ mạnh lên khoảng 55km/giờ trước khi vùng áp thấp nhiệt đới rời khỏi phía Tây đảo quốc, xâm nhập biển Đông VN. Một vườn rau từ thượng nguồn bị lũ cuốn trôi về sông Hàn, Đà Nẵng Thay vì chậm mất một ngày như khi ra dự báo về áp thấp nhiệt đới ngày 2-9 (vẫn đang lờn vờn ven biển miền Trung), lần này Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn VN (gọi tắt NCHMF) ra bản tin về áp thấp nhiệt đới 90W khá sớm. Theo đó, hồi 4 giờ ngày 9-9, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc biển Đông có vị trí tâm ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc, 118,2 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 700km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Cạnh đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (95W) gần bờ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định và phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực Bắc biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Cũng theo NCHMF, gió mùa Tây nam đang hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Cá đớp sao, lụt sẽ to! Mấy ngày qua, các bản tin mưa lụt với những thiệt hại ban đầu từ Đà Nẵng đến Bình Định làm lòng người cả nước không yên. Chiếc đòn gánh miền Trung lại cong oằn vì mưa gió. Ven Quốc lộ 1 và nhiều ngã nước dâng ở miền Trung, xuất hiện những tụ điểm kéo tủ, cất vó. Cá cấn, cá rô hột bí nhiều vô kể. Cá đớp mồi như sao. Nói tắt “cá đớp sao”. Kinh nghiệm dân gian chỉ rõ đó là dấu hiệu lụt to. Quả vậy, mưa từ nguồn chí bể hầu như không dứt. Mưa như trút. Mưa như cầm chỉnh đổ. Mưa dằng dai như trâu đái. Đập dâng An Trạch, nút chặn cuối cùng trước khi nước lũ Vu Gia (Quảng Nam) theo sông Yên đổ về sông Hàn (Đà Nẵng), chiều 7-9 cao trình lũ tại đập ở mức 2,20m, đến 13 giờ ngày 8-9 đã lên trên cao trình 4,56m! Tại Đại Cường, xã ven sông Vu Gia thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam), đến trưa 8-9 toàn bộ bờ kè hữu ngạn chìm sâu dưới lũ, các thôn 8, 9 và 10 bị chia cắt hoàn toàn, hàng trăm hecta lúa, bắp, dưa hấu, hoa màu đến kỳ thu hoạch bị làm mồi cho hà bá. Đến sáng 9-9, lũ đã ngập hai đầu cầu Quảng Huế, giao thông từ Ái Nghĩa về vùng B Đại Lộc tạm thời gián đoạn. Tại thủy điện A Vương ở xã Macoiih, trên đường Hồ Chí Minh (huyện Đông Giang), từ 3-9 do áp thấp nhiệt đới mang mưa về, lưu lượng nước về hồ lớn hơn 300m3/giây, đạt mức lũ cấp 1. Về lý thuyết, tất cả các yếu tố trên sẽ chung sức tạo nên những trận mưa tối trời tối đất. Hệ quả sẽ là lụt lớn. Trong thực tế, lũ lụt đang từng giờ đe dọa các tỉnh thành Trung trung bộ. Riêng một phần Quảng Nam và Đà Nẵng, có nguy cơ lũ dâng đột ngột một khi nước hồ thủy điện A Vương vượt cao trình ngưỡng tràn 363m và xả lũ về xuôi. Báo động bão lũ Số liệu đo đạc thực tế ngày 8-9 tại các trạm thủy văn cho biết: Lũ các sông từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi đang lên. Mực nước lúc 4 giờ ngày 9-9 trên một số sông như sông Hương (Huế), sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Hội An (Quảng Nam) đều xấp xỉ báo động II. Sông Trà Khúc, sông Vệ (Quảng Ngãi) trên báo động II. Cũng theo NCHMF, đến sáng 9-9, lũ sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc đạt đỉnh 4,9m, trên báo động II khoảng 0,7m. Đến trưa, chiều cùng ngày, các sông ở Quảng Nam lần lượt đạt đỉnh: tại Ái Nghĩa ở mức 8,1m, trên báo động II khoảng 0,4m, tại Câu Lâu 3,1m, ở mức báo động II, tại Hội An 1,3m, trên báo động II khoảng 0,1m. Cũng từ đầu năm đến nay, tính từ bão Kurija (3-5) đến bão Krovanh (28-8), trên vùng biển Tây bắc Thái Bình Dương đã diễn ra 11 cơn bão, đa số là bão mạnh typhoon, gây nhiều thiệt hại về người và của cho các quốc gia trong vùng. Nay đến lượt bão số 12, tức số 7, tại biển Đông. Sáng 9-9, các dự báo cho thấy bão này có xu hướng theo hướng Bắc Tây bắc khi vào bên trong biển Đông, song không loại trừ nó sẽ hướng vào miền Trung nếu gió Đông thổi mạnh, gió Tây nam yếu như một mô hình dự báo của Mỹ hoặc sẽ hướng lên vịnh Bắc bộ như dự báo của NCHMF. Miền Trung gan góc Bờ biển miền Trung dài 1.200 km, kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dài Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng. Gần đây, do cao trào xây dựng, việc khai thác cát sạn, vàng sa khoáng từ trên nguồn xuống gần các cửa sông lại tạo thêm hiểm họa mới cho con người, làm gia tăng mức độ của lũ lụt. Tình trạng này làm cho nhiều đoạn bờ sông bị sụt lở nghiêm trọng. Điển hình là vụ sụt lở bờ sông Vu Gia làm cho con đập bê tông ở Đại Cường huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) bị cuốn trôi trong cơn lũ năm 1999 và liên tiếp bị uy hiếp các năm sau đó. Mùa mưa, bão và lũ đang hiển hiện trên dải đất miền Trung. Với rất nhiều trải nghiệm, hy vọng người dân miền Trung vốn gan góc, dạn dày sẽ hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của trong mùa mưa bão năm nay. | ||
Võ Hoàng Khôi |
DIỄN ĐÀN CÀ MAU