DIỄN ĐÀN CÀ MAU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
DIỄN ĐÀN CÀ MAU

Diễn Đàn Cà Mau - Tôi Yêu Cà Mau

Chào Mừng Bạn Đến Với Diễn Đàn Mũi Cà Mau
Chúc Các Bạn Vui Vẻ

You are not connected. Please login or register

Nói chuyện ngàn năm..

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Nói chuyện ngàn năm.. Empty Nói chuyện ngàn năm.. 2011-05-11, 11:09 pm

Duy Đen

Duy Đen
Thành Viên Cấp 9
Thành Viên Cấp 9

Các nhà sử học nước ta, và cả Trung Hoa cũng vậy, khi chép sử, họ thường có khuynh hướng ghi lại lịch sử một triều đại hơn là lịch sử của cả một dân tộc, coi như lịch sử của triều đại nào đó là lich sử của dân tộc đó. ...

... Vẫn biết một triều đại cai trị là nắm lấy vận mệnh một dân tộc, việc sống chết của một ông vua là quan trọng, thần dân chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo lệnh vua; các biến cố lớn ở tại triều đình có ảnh hưởng trên toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, việc người chép sử không bàn tới hay chỉ nói qua đời sống người dân thường thì đó là một thiếu sót quan trọng vậy. Ví dụ như sử chép rành rẽ vua Minh Mạng tên thật là gì, sinh năm nào, lên ngôi năm nào, băng hà năm nào, có bao nhiêu hoàng hậu, cung phi mỹ nữ, có bao nhiêu con trai con gái, nhiều chi tiết nhiều khi thậm vô ích, trong khi nhà vua ban ra một chiếu, làm kinh động nhân dân, làm bao nhiêu người lo lắng hốt hoảng, tác động không ít đến đời sống thường nhựt người dân mà sử sách chẳng bàn qua một hàng thì đó là một thiếu sót lớn vậy. Ví dụ sự kiện:

Tháng sáu có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Mà đi lột lấy quần chồng sao đang!

Minh Mạng làm vua từ 1820 đến 1840. Lúc đó Âu Mỹ đã văn minh rồi, vậy mà dân nước ta còn thiếu quần mặc. Cũng để chứng tỏ là một dân tộc văn hiến, Minh Mạng cấm đàn bà mặc váy (người dân gọi mỉa là quần không đáy). Dân không có tiền để mua vải may quần (hay không đủ vải để cho dân mua) mà xảy ra sự "hãi hùng" như trong câu ca dao nói trên thì không thấy nói rõ.

Bên cạnh đó, có nhiều điều được chép trong chính sử và cũng có nhiều điều nằm trong dã sử. Chính sử là một quyển sách hay một bộ sách do một hay hai, hay nhiều người viết và dĩ nhiên không thiếu chủ quan, tâng bốc nịnh hót và tuyên truyền, bôi lọ. Dã sử là lịch sử sao chép bằng miệng, là những câu chuyện lịch sử, nói về các nhân vật lịch sử. Câu chuyện được truyền qua nhiều đời, bị cắt xén thêm bớt, sao cho phù hợp với tâm lý người kể, nhưng dù sao thì bản chất sự kiện, nhân vật không khác đi được. Một câu chuyện dã sử thuật lại cái hay của một hành động, một lời nói, một con người thì dù câu chuyện có được thêm bớt như thế nào, thì ỏtinh chấtõ của nó vẫn vậy. Nghĩ như thế nên tôi chép lại đây những câu chuyện người dân Huế kể về chí sĩ Ngô Đình Diệm. Tôi dùng chữ chí sĩ là có dụng ý, nghĩa là tôi chỉ thuật những câu chuyện lưu truyền trong dân Huế khi ông được họ gọi một cách tôn kính là ỏchí sĩõ. Và tôi cũng thuật thêm một vài chuyện về những người trong gia đình ông có liên hệ đến ông mà thôi. Còn như việc ông làm Tổng Thống, người ta viết cũng nhiều, khen cũng có mà chê cũng không ít, miễn sao thỏa mãn cái ý đồ riêng tư của người viết mà thôi, còn sự thực thì... bị bóp méo đến độ đau lòng!!!

Phải nói tới người dân Huế trước khi nói tới những câu chuyện lưu truyền trong dân Huế về chí sĩ Ngô Đình Diệm để thấy sự trung thực.

Mặc dù những phong trào chống Pháp như Phong trào Cần vương, Phong trào Văn thân, Phong trào chống thuế hoặc đám tang cụ Phan Chu Trinh, ở Huế không mãnh liệt như các nơi khác, như ở Quảng Nam chẳng hạn, nhưng kể từ khi vua Tự Đức băng hà 1883 cho đến cuộc khởi nghĩa thất bại của vua Duy Tân 1916, người dân Huế chứng kiến không biết bao nhiêu tai biến từ trong triều đình cho đến ngoài xã hội. Các hoàng tử thì "nồi da xáo thịt", chỉ có mấy tháng mà mấy ông vua bị giết (tứ nguyệt tam vương). Sau nầy người ta còn nhắc tới chuyện vua Hàm Nghi (tên là Ưng Lịch), mới 16 tuổi nhà ở phía ngoài cửa Đông Ba, đang chơi đánh khăn (Huế gọi là đánh căng) với bạn bỗng có xa giá tới rước vào đại nội làm vua, khiến bà mẹ sợ con mình cũng lâm vào cảnh "Tứ nguyệt tam vương" mà khóc lóc thảm thiết. (Xem thêm "Vua Hàm Nghi" của Phan Trần Chúc), hoặc cũng chuyện vua Hàm Nghi bị Trương quang Ngọc làm phản bắt giao cho Tây. Vua bị nhốt trong thành Mang Cá, một mực chối rằng mình không phải là vuạ "Nhưng đến lúc vào trong buồng ngồi một mình, thì hai hàng nước mắt chứa chan, buồn vì nỗi nước đổ nhà tan, thân mình phải nhiều nỗi gian truân." (VN Sử Lược, Trần Trọng Kim, tập 2, trang 338).

Không như bây giờ, Tây không có hình hay có bản lăn chỉ tay để xác minh lời khai của người tù. Bọn Tây xỏ lá, hoặc không biết có ông quan VN nào bày mưu mà chúng nghĩ ra một mẹo, đưa ông thầy dạy học cũ của Hàm Nghi vào tận nhà giam thăm vuạ Thấy thầy học tới, theo đúng lễ Quân Sư Phụ, vua Hàm Nghi đứng lên chắp tay vái chào thầy. Coi như thế là người tù đã xác minh lý lịch. Vua cha (Thành Thái) bị đày, vua con (Duy Tân) cũng bị đày nốt. Nhà Nguyễn làm vua từ 1802, đến 1945 thì Bảo Đại thoái vị, nếu kể cả Cường Để, ông vua không ngai, thì được 14 đời. Vậy mà có tới 4 ông vua bị Pháp lưu đày. Trước cảnh "quốc phá gia vong", các quan trong triều chia phe "chủ chiến", "chủ hòa" giết nhau, lại giết cả vua, trong khi bọn Pháp xâm lược thì ngang ngược, nhất là thái độ hách dịch, coi thường vua, khinh mạn Triều Đình Huế của De Courcỵ Trước cái nhục mất nước như vậy, có quan hèn nhát thì đã rõ, lại có kẻ phản phúc theo Tây như Nguyễn Trọng Hợp, Phan Đình Bình; kẻ vì nước quyên sinh như Trần Thúc Nhẫn, kẻ lên rừng kháng chiến như Phan Đình Phùng. "Thất Thủ kinh Đô" là một biến cố lớn, để lại những hậu quả sâu sắc trong lòng người Huế, cũng như cái án chém Thái Phiên, Trần Cao Vân ở pháp trường phía ngoài cửa An Hòa gây nên nhiều nỗi xúc động khó phai cho người dân Huế.

Tôi không sinh ra ở Huế. Tôi đến Huế khi 16 tuổi, làm một người học trò nghèo khổ công cầu học. Đến khi đi dạy, lại dạy môn văn chương VN và lịch sử. Mười lăm năm sau, tôi lại rời Huế phiêu bạt vào Nam, xuống tận vùng Cà Mau- Rạch Giá, không ngồi trong văn phòng mà ra chỉ thị nầy, chỉ thị kia, đi đâu cũng quan hệ với dân, chuyện trò cùng bác Năm, chú Bảy... những người chưa một lần quen biết, rồi tò mò, mục đích là để tìm hiểu, đối chiếu và thấy dân chỗ nầy chỗ kia khác nhau như thế nào. Nhìn chung, người Huế bao giờ cũng tội nghiệp hơn, không phải tội nghiệp ở đám ông hoàng bà chúa hay ở đám vua quan và cả những người cố làm ra vẽ "dòng giống vua quan", "con ông cháu cha" (Người Huế gọi mỉa là đám COCC) mà chính là ở đám người bình dân lao động. Té ra họ là những người có tinh thần nhứt, yêu nước nhứt, chống Pháp, chống bạo quyền vô vị lợi nhứt, chống không phải để làm "ôông ni ôông tê" mà chỉ vì một tấm lòng đối với đồng bào, đất nước và cả với các vị vua, quan yêu nuớc.

Hiểu được người Huế như thế mới hiểu được tại sao những câu chuyện về "chí sĩ" Ngô Đình Diệm được lưu truyền trong họ; trong khi trong giới được gọi là "trí thức", giới "quan quyền" thì lại trề môi dè bỉu, chê bai. Ai không phải ở trong phe cánh họ, hàng ngũ của họ thì bị họ bôi đen, dĩ nhiên!

Ngay hồi còn nhỏ, chưa tới Huế, tôi đã có dịp nghe thầy cô nói tới "chí sĩ" Ngô Đình Diệm với một vẽ trân trọng vì một là ông từng làm tri phủ Hải lăng, một phủ lớn trong tỉnh tôi; thứ hai, ông là một chí sĩ. Người dân tỉnh tôi kính trọng ông vì sự nghiệp ông làm ở đó. Thời gian ông làm tri phủ Hải Lăng thật ngắn ngủi, nhưng ông để lại đó một công trình lớn, ngày nay vẫn còn: Đào sông Vĩnh Định để có nước ngọt cho dân làm ruộng. Ông không ngồi trong dinh quan phủ chỉ tay năm ngón mà đến từng làng, từng xã coi sóc và lo cho dân. Ngày 3 tháng 1 năm 1957, một người bạn học truớc tôi một lớp, được làm đại diện cho học sinh trường Quốc Học Huế, vào Dinh Độc Lập dự lễ sinh nhựt "chúc thọ Ngô Tổng thống". Hằng trăm học sinh đại diện cho các trường ngồi hai bên một dãy bàn dài, nghe Tổng thống ngồi ở đầu bàn nói chuyện. Ông thuật chuyện khi ông làm tri phủ cho đào kinh Vĩnh Định, lo ngày lo đêm sao cho công việc chóng hoàn thành đến nỗi ông mất ăn mất ngủ, một tuần đôi ba lần ông xuống tận nơi kiểm tra, xem xét, đôn đốc dân chúng đào kinh; đến nỗi đường đi từ phủ về kinh Vĩnh Định, ông thuộc lòng từng hàng tre, từng đám ruộng, khiến cả đám học trò kính phục trước trí nhớ tuyệt vời của ông.

Ông đến tại chỗ hỏi thăm từng học sinh. Nghe hai chị em khai tên họ và quê quán, ông cười nói:

- "Rứa là con ông LmL ở QT hí? Về, thưa ba má tui gởi lời thăm".

Khi ông làm tri phủ, ông LmL làm thừa phái (quan lại hàng đầu trong phủ, sau tri phủ, quản lý toàn bộ công việc hành chánh). Quan phủ và gia đình quan thừa phái đều ở trong phủ, chiều chiều rảnh rỗi, ông xuống nhà quan thừa phái chơi, bồng ẵm những đứa nhỏ con quan thừa phái, vì tính ông rất thương trẻ con. Có phải nhờ thế mà "các đứa nhỏ" con quan thừa phái ngày xưa ấy rất được ông chiếu cố khi ông làm Tổng Thống?

Kể chuyện xây dựng các khu trù mật, dinh điền, ông nói:

- "Dân làm biếng, không chịu làm việc mà mấy ông "địa điểm trưởng dinh điền" không có cách chi được, răng không lấy hèo phết vô sau đít".

Kể xong câu chuyện đó, người bạn tôi cười: "Đúng là giọng nói quan huyện, "phụ mẫu chi dân". Ông ta nghĩ dân cũng như con, nói không nghe thì phải dùng roi mà dạy.

Tôi không bàn dông dài đến cách "dạy dân" của các cụ xưa. CS ngày nay thì có "dân vận", có "giáo dục quần chúng" (cũng là dạy dân vậy) và nếu dân không nghe thì dùng "bạo lực cách mạng" và cho đi "cải tạo" để thành người tốt. Có điều, năm 1972, tôi ở Cái Sắn, nghe các cụ già kể chuyện hồi năm 1958, mới thành lập dinh điền này, tình hình ngán ngẩm lắm. Tới "Mùa nước nổi" thì chung quanh mênh mông là nước, kinh chưa đào xong, đường đi chưa đắp, bước chân xuống khỏi giường là đụng nước, nói chi tới việc đi đâu xạ Tới mùa khô đốt rẫy làm ruộng, dân chẳng chịu làm. Ra tới đồng, họ tìm bóng im mà chụm lại từng đám để đánh bài, chỉ chờ xin trung ương cấp phát thêm lương thực, tôn, "ximăng", v.v... Được cấp trâu "murat" để có sức cày thì đập què chân trâu để xin phép làm thịt. Tình hình như thế, "quan tri phủ" có biểu "lấy hèo phết vô đít" cũng còn nhân đạo hơn CS ngày nay cả vạn lần, nhất là với dân đi "Kinh Tế mới".

Tri phủ là chức quan đầu tiên của cậu ấm con quan Phụ Chính Đại Thần trên bước đường hoạn lộ, sau khi xuất thân trường Hậu Bổ.

Ông bố Ngô Đình Khả xuất thân từ một chức thông ngôn nhưng khác với các ông thông ngôn khác như Trần Văn Thông (nội tổ bà Ngô Đình Nhu) hay Diệp Văn Cương. Tuy Ngô Đình Khả là người theo đạo Thiên Chúa, nhưng ông chứng tỏ được ông là người yêu nước, còn giữ lòng "Trung quân ái quốc" mà không theo Tây. Thời đó, công chúa, bà hoàng (hậu), bà hường, bà tuần còn ưa ngủ với Tây để cho chồng thăng quan, nói chi tới chuyện chống Pháp. Ai không theo Tây đã là quí lắm rồi. Vua Thành Thái được Tây đưa lên ngôi, nhưng ông là một ông vua điên. Dân chúng thì nói ông giả điên để tránh con mắt Mật Thám Pháp. Ông đang thành lập và luyện tập một đội nữ binh, nói là để làm lực lượng chống Pháp. Thực hư ai biết nhưng con gái của quan thông ngôn Diệp Văn Cương đang ở trong cung bị thương vì luyện tập cung kiếm, Diệp phải vào tận đại nội lo việc chăm sóc cho con. Có phải vì vậy mà việc bí mật của vua Thành Thái bị đổ bể? Nội tổ tôi lúc ấy đang làm ngự y, tiến vào cung một người em gái của ông. Ông muốn góp phần chống Pháp hay chỉ muốn làm quốc trượng để con cháu sau nầy hưởng ơn thánh đế? Sau khi vua Thành Thái bị đày, người em gái của nội tổ tôi ra ở lăng để hương khói cho các tiên đế, rồi về tu ở chùa Sư Nữ Huế, như các cung phi mỹ nữ khác khi về già. Các cô tôi, thỉnh thoảng lên chùa Sư Nữ thăm bà sư già. Trước Hiệp Định Genève 1954, tôi từng theo một người cô đi thăm bà sư già đó một lần. Gặp bà, tôi bâng khuâng! Một cung nữ một thời son trẻ hay một nữ binh tập bắn cung, đánh kiếm chống Pháp, nay là bà sư già hóm hém nói năng lập cập quê mùa nầy đây chăng? Thần tượng của tôi ở tuổi thiếu niên ấy đổ vỡ thảm hại vì hình ảnh tuổi già của bà sư và những gì tôi không hiểu được nơi bà khi bà còn trẻ. Lịch sử giữa nội tổ tôi và anh em chúng bị gián đoạn vì nội tổ tôi qua đời sớm, chỉ mấy năm sau khi vua Thành Thái bị đày, phụ thân tôi lúc ấy cũng mới trên mười tuổi, chưa đủ trí khôn để biết việc nước việc đời, mà gia phả vì sợ Tây nên chẳng ghi lại chút gì về việc một người con gái trong dòng họ được tuyển vào "nội" để làm một thứ giải trí cho vua hay làm một "nữ chiến sĩ" thời đại, noi gương bà Trưng bà Triệu.

Dân chúng thì cho rằng vua Thành Thái không điên, ông là người yêu nước, việc ông "mê gái" được người ta nói tới qua hai câu thơ của vua, chỉ là giả bộ, đánh lừa bọn thực dân Pháp:

Kim Luông có gái mỹ miều

Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi.

Trẫm là tiếng nhà vua tự xưng. Ông đâu có đang đêm bỏ cung điện ra đi để chiêu mộ người cùng tâm cùng ý chống Pháp, chỉ vì ông "mê gái mỹ miều" nên trốn kinh thành ra đi đó thôi. Người dân Huế không tin như vậy, Tây lại càng không tin như vậy, nhất là sau khi con gái Diệp Văn Cương bị thương. Cương không có lòng yêu nước, không thấy sách báo nào hay ai nói Cương là người yêu nước. Y là một thông ngôn gốc người miền Nam được Tây tín cẩn đưa về Huế làm thông ngôn. Y chẳng tôn kính gì triều đình, lợi dụng quyền ra vào cung cấm để tư thông với hoàng hậu của tiên đế.

Việc y tiến con vô Nội chẳng qua cũng chỉ muốn dùng con gái làm nấc thang trên đường danh vọng. Một người tư cách như thế khó tranh được với ông Ngô Đình Khả, cũng làm thông ngôn nhưng thường lo tới việc nước việc dân. Thấy trại lính thủy của Nam Triều bỏ trống (Sau khi Pháp nắm quyền cai trị, giải tán hết binh lính của Triều Đình Huế), ông nghĩ tới việc xây dựng một "Nền Quốc Học". Do đó mà có trường Quốc Học Huế ngày nay, một trường học cách tân đầu tiên của nước VN lạc hậu bán khai. Sau mấy năm đầu ông làm Chưởng Giáo (Hiệu Trưởng) trường nầy, Pháp đẩy ông đi nơi khác, tự nắm quyền điều khiển ngôi trường. Làm sao họ có thể tin tưởng để có thể giao việc đào tạo nhân tài cho người bản xứ. Ông Ngô Đình Khả đặt tên trường nầy là trường Quốc Học, muốn nói lên cái ý đồ muốn xây dựng một "Nền Quốc Học". Với truyền thống cổ truyền trọng hiền của người VN Quân Sư Phụ, người làm thầy cũng như người mở trường là người truyền dạy đạo lý thánh hiền nên người dân thường nhớ tới công lao của những người có công mở mang trường học như ông Ngô Đình Khả. Vậy thì ai khác hơn ngoài ông Ngô Đình Khả xứng đáng được lấy tên mà đặt cho ngôi trường nầy; cũng như sau nầy, việc thành lập viện Đại Học Huế là ý chí và công lao của ông Ngô Đình Diệm. Mới cầm quyền thực sự được hai năm, viện Đại Học Huế được ông đích thân về làm lễ khai giảng (1957). Trước khi có ngôi trường Đại Học nầy, biết bao nhiêu thanh niên Huế chấm dứt việc học sau khi tốt nghiệp trung học. Chỉ ai có điều kiện mới tiếp tục học cao hơn ở Hà Nội hay Saigon mà thôi.

Trở lại chuyện người chạ Sử chép:

"Ông Bửu Lân bấy giờ mới lên 10 tuổi, đang cùng với mẹ phải giam ở trong ngục. Triều đình vào rước ra, tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Thành Thái, cử ông Nguyễn Trọng Hợp và ông Trương Quang Đản làm phụ chính. (VN Sử lược, Trần Trọng Kim, tập 2)

Thành Thái làm vua được 20 năm (1888-1908) thì Tây mượn cớ là nhà vua bị điên và truất ngôi, đưa đi đày. Khôn khéo tránh mặt, Pháp ra lệnh cho các quan trong triều họp nhau lại để truất ngôi vuạ Thủ đoạn của Pháp ném đá dấu tay, để người ngoài nghĩ rằng đây là việc nội bộ Nam Triều, Pháp không xía vộ Nhưng có người trong triều không tuân lệnh Pháp. Đó là ông Ngô Đình Khả, ông cho rằng vua không tội gì để phải bị truất. Một mình ông Ngô Đình Khả chẳng làm được gì khi các triều thần đều theo Tây. Nhưng tiếng thơm thì còn đó, còn trong câu ca dao:

Đày vua không khả

Đào mả không bài.

Câu ca dao nầy là một loại chơi chữ. Trong tiếng Hán Việt, chữ khả có nghĩa là có thể. Đày vua không khả có nghĩa là Không thể đày vua (Thành Thái) được. Đó là lập trường của ông Ngô Đình Khả trước triều thần, mà không khả thì khả lại là tên ông. Thành ra người ta lại hiểu: Trong việc đày vua, không có ông (Ngô Đình) Khả tham dự. Ông đứng ngoài việc nầy. Đây là một biến cố lớn ở kinh đô, chính ông Hồ Chí Minh cũng biết rõ như thế.

"... tôi xin nói tới một mẫu chuyện lịch sử ít người biết. Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, ông Ngô Đình Diệm bị (1) bắt. Tại Hà Nội, ông Diệm không phải bị giam ở Hỏa Lò mà ngay trong Bắc Bộ phủ. Theo ông Chu Đình Xương, nguyên giám đốc Sở Liêm Phóng Hà Nội thì việc ông Diệm bị giam ở Bắc Bộ phủ là do ông Hồ Chí Minh quyết định. Tại sao ông Hồ có quyết định đó thì ông Chu Đình Xương không hiểu. Rất có thể do những giây mơ rễ má nào đó giữa gia đình ông Hồ với các quan lại triều Nguyễn trong quá khứ mà ông Hồ Chí Minh lo cho số phận của Ngô Đình Diệm, không muốn để mặc tính mạng con người nổi tiếng chống Cọng nầy nằm trong tay những đồng chí nóng tính.

"Cha tôi là người giữ chìa khóa phòng giam. Đến bữa cảnh vệ lên lấy chìa khóa, cho Ngô Đình Diệm ăn xong thì nộp lại. Một hôm, ông Hồ bảo cha tôi: "Chú Huỳnh ạ, tôi tính nên thả ông Diệm. Mình làm ân cho người tốt hơn là làm oán". Cha tôi bàn với ông Lê Giản (2). Hai ông cho rằng để ngăn ngừa những hành động chống cách mạng của ông Diệm, cách tốt nhất là để ông ta được hưởng chế độ câu lưu tại Việt Bắc. Ông ta sẽ sống như dân thường, chỉ bị hạn chế tự do đi lại mà thôi. Ông Hồ bỏ ngoài tai ý kiến phản bác, ông đã định thả là ông thả: "Các chú không ở Huế không biết, chớ dân Huế có câu: Đầy vua không Khả, đào mả không Bài" là nói về cụ thân sinh ông Diệm đấy. Vì người cha mà thả người con là điều nên làm lắm chứ. Các chú không nên hẹp hòi!

"Nhiều người nhận xét khi ở cương vị tổng thống VN Cọng Hòa, ông Ngô Đình Diệm không bao giờ có những lời khiếm nhã đối với chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những nguyên nhân, theo tôi nghĩ, có thể do ông Diệm không quên ơn ông Hồ đã tha mạng mình là điều không phải khó hiểu. (Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên, trang 227, 228)

Với đoạn trích nói trên, tôi không đặt trọng tâm câu chuyện thực bao nhiêu phần trăm bởi vì điều chính yếu trong câu chuyện là câu ca dao nói trên. Hơn thế nữa, việc Thành Thái bị truất năm 1908 khi Hồ Chí Minh vừa 18 tuổi, có thể đang ở Huế, và thân sinh ông, ông Nguyễn Sinh Sắc vừa bị mất chức tri huyện. Khi Thành Thái bị truất, Ngô Đình Khả đang làm thượng thư bộ Lễ. Cũng do tờ trình của bộ Lễ, ông Nguyễn Sinh Sắc bị mất chức tri huyện Bình Khê vì say rượu đánh chết người. Trong vụ thứ hai nầy, khi đó ai làm thượng thư bộ Lễ, ông Ngô Đình Khả hay người nào khác. Ông Hồ Chí Minh có gì oán hận bộ Lễ làm cho thân phụ ông bị mất chức, hay ông cho rằng bộ Lễ xử như thế là đáng tội hay có khoan hồng. Trong thời kỳ đó, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành không thể nào không kính trọng ông Ngô Đình Khả, một là ông Ngô Đình Khả sáng lập ra ngôi trường Nguyễn Tất Thành đã học ở đó. Ông Ngô Đình Khả, đối với Hồ Chí Minh, vừa là bậc thầy, vừa đáng tuổi cha, còn về địa vị thì ông Nguyễn Sinh Sắc mới chức tri huyện còn Ngô Đình Khả thì chức thượng thư, cách nhau khá xa, chưa kể ông Ngô Đình Khả làm quan biết lo cho dân còn tri huyện Nguyẽn Sinh Sắc say rượu đánh chết dân.

Trong cuộc đời khổ công cầu học, tôi có được cái may mắn vào ở trong gia đình một ông chú họ nhưng ông lại có quan hệ gần gũi có tính cách bạn bè với thân phụ tôi. Ông khuyên tôi chăm học và đừng bướng bỉnh như anh cả của tôi. Năm 1950, anh cả tôi, Hồng Quang, vào Huế làm báo Ý Dân. Anh tôi không nghe theo lời khuyên ông chú họ, nên ẩn nhẫn chờ thời cơ đang tới, hơn là đơn thương độc mã, vừa chống Pháp, vừa chống đám quan lại theo Pháp làm tay sai. Theo ông, anh tôi nên theo cụ Ngô như ông mới hợp thời hợp thế. Kết quả của hành động bướng bỉnh đó là chỉ mấy tháng sau anh tôi bị Việt gian thủ tiêu.

Tại sao ông chú họ tôi theo cụ NGÔ? Ông vốn dĩ ra vào cửa Khổng sân Trình từ khi còn nhỏ, cầm cây bút lông mèo trước khi cầm bút chì. Đến khi đã thành niên, cũng như một số thanh niên Huế khác, ông thường ra vào nhà cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự vì lòng yêu nước và để đọc Khổng Học Đăng, để nghe cụ Phan giảng thêm về tứ thư, ngũ kinh.

Cụ Phan Bội Châu là linh hồn của Phong Trào Đông Dụ Sau khi phong trào nầy tan rã, cụ Phan bị Pháp bắt cóc, đưa về Hà Nội tuyên án tử hình, cuối cùng cụ giam lỏng ở Bến Ngự. Ngoài hình ảnh "Ông già Bến ngự" "Chiều chiều trước bến Văn lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm",(*) ông là người mà dân Huế, ai đó có lòng yêu nước đều đến viếng thăm. Dù bị Mật Thám Tây theo dõi, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế đang làm báo Tiếng Dân, cụ cử Võ Bá Hạp, vẫn thường lui tới, và những người thuộc thế hệ trẻ hơn như ông Võ Như Nguyện (Con cụ cử Võ Bá Hạp), người ta còn nói là cả cậu học trò Võ Giáp (sau nầy là Võ Nguyên Giáp) cùng một số học sinh Huế thời đó như ông chú họ tôi vẫn thường ra vào nhà cụ Phan, trước là để gìn giữ, nung nấu chút lòng yêu nước, sau là để học thêm kinh sách đạo Nhọ Dĩ nhiên, một người xuất thân Nho học và ái quốc như ông Ngô Đình Diệm, nhất là sau khi ông có hành động khẳng khái từ quan vì chống Pháp, thì việc ông lui tới với "ông già Bến ngự", tưởng không có gì lạ. Sau nầy, CS cũng như một vài người viết sách viết báo, cho rằng ông Ngô Đình Diệm từ quan vì tranh ăn không lại với Phạm Quỳnh là một hành động bôi lọ. Thật ra, sự việc, trước tiên là phải nói từ vua Bảo Đại. Năm 1930, Bảo Đại mới tròm trèm 18 tuổi (Bảo Đại sinh năm 1913), du học từ Pháp về, tiêm nhiễm những tư tưởng tự do, dân chủ Âu Tây, muốn đem sở học của mình để canh tân nước nhà, noi gương Nhật bản. Ông vua trẻ thấy đời màu hồng, những tưởng việc gì cũng dễ dàng, vội cho năm ông thượng thư già về hưu, đưa vào chính phủ những thành phần trẻ. Chỉ chừng đó, dân chúng Huế hãi hùng vì "cảnh đất bằng sóng dậy":

Năm cụ khi không rớt cái ình

Đất bằng sóng dậy chốn thần kinh

Vậy thì Tây tiếc chi mà không truất phế nhà vuạ Họ khôn khéo hơn: Gây áp lực với những người trẻ để đập tan chính phủ mới nầy, mà thành phần tham gia không do Tây lựa chọn, đẩy ông vua trở lại vai trò bù nhìn, ràng buộc chân ông bằng một thói nhi nữ thường tình, bằng một người biết bảo vệ quyền lợi gia đình, giai cấp và tôn giáo của mình hơn quyền lợi dân tộc, đất nước. Vốn dĩ là người không có ý chí mạnh mẽ, cầu an và ham thích thú vui riêng, vua Bảo Đại ngoan ngoãn thúc thủ trong cái củi sơn son thếp vàng của ông vua một nước nô lệ mà mãi đến khi Tây cuốn gói cao chạy xa bay, ông mới dám nói ra câu: "Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ".

Vua Bảo Đại và quan thượng thư bộ Lại trẻ tuổi (Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng Giêng năm 1901, lúc đó mới 32 tuổi) chia tay nhau lần thứ nhứt ở đó. Ông Ngô Đình Diệm không từ chức cũng không được. Vả lại hành động khẳng khái cáo quan vì không muốn hợp tác với Tây khi Triều Đình Huế sụp đổ vì Pháp xâm lăng là hành vi nhiều quan lại đã làm trước ông. Một người như ông Ngô Đình Diệm, học vấn ấy, văn hóa ấy, ý chí và lòng thương dân như thế, và thừa hưởng dòng máu "đày vua không Khả" nơi người cha như thế, thì có từ quan cũng không có gì lạ, sao lại bôi lọ cho rằng từ quan vì không tranh lại Phạm Quỳnh vì Phạm có thế lực của Marty, Chánh Sở Mật Thám Pháp ở Đông Dương.

Vì là người khẳng khái như thế, ông Ngô Đình Diệm mới ra vào nhà cụ Phan ở Bến Ngự; không những thế, qua trung gian cụ Phan, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để chọn ông Ngô Đình Diệm làm đại diện. Có một cái trục là lòng yêu nước. Xoay quanh trục ấy là vua Thành Thái không trốn qua Nhựt theo lời đề nghị của phong trào Đông Du được, ủy thác và trao ấn cho Cường Để theo cụ Phan. Khi phong trào Đông Du tan rã, nhưng dư âm vẫn còn thì sự quan hệ giữa cụ Phan và Kỳ Ngoại Hầu, cũng như việc chọn ông Ngô Đình Diệm làm đại diện ông vua không ngai là môt sự xuyên suốt rất dễ hiểu. Ba nhân vật ấy: Cường Để, Phan Bội Châu, Ngô Đình Diệm là ba nhân vật khác nhau nhưng chung nhau ở lòng ái quốc. Người dân Huế biết rõ diều ấy, không thể hiểu khác được trừ phi người ta muốn bóp méo lịch sử. Thành thử những thanh niên Huế yêu nước ra vào nhà cụ Phan và sau nầy họ chọn ông Ngô Đình Diệm làm minh chủ, cũng là một điều không có gì khó hiểu.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhiều người Huế, ai không rõ mưu đồ CS, thì theo Việt Minh. Chỉ một số ít, hiểu rõ Việt minh là gì, lại cũng không muốn gia nhập đảng Đại Việt quan lại vì sợ mang tiếng theo Tây, nên giữ lòng trung với chí sĩ Ngô Đình Diệm. Tiếng gọi "chí sĩ" nầy tự nhiên mà có, không phải do những người theo ông Ngô Đình Diệm quảng bá tuyên truyền. Vả lại, với dân Huế, kiểu tuyên truyền dựng không thành có không phải là điều dễ được người ta tin. Người ta biết ông Ngô Đình Diệm là người yêu nước, là đồng chí của cụ Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, là người đại diện cho Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, có hành động kiên cường chống Pháp. Có như thế, người ta mới chịu gọi ông là "chí sĩ". Một linh mục tưởng theo Pháp có lợi cho đạo của mình là hay, đến thăm ông, ông mắng vào mặt: "Cha tưởng theo Tây là không có tội với Chúa hay sao?" Vị linh mục ấy tẻn tò không bao giờ dám đến gặp ông lần thứ hai nữa. Câu chuyện trên được đồn đãi trong dân Huế với lòng ngưỡng vọng "cụ Ngô yêu nước".

Sau "Trưng Cầu Dân Ý", tôi đến thăm ông chú và hỏi vài sự việc, cũng là điều suy nghĩ của vài người bạn. Một người thấm nhuần Nho Giáo như ông Ngô Đình Diệm, làm tổng thống thời đại ngày nay còn nghiên cứu kinh Dịch để lo việc nước việc dân, biết giữ lòng "Trung Quân Ái Quốc", sao lại có việc lật đổ ông Bảo Đại, và việc "Trưng Cầu Dân Ý" lại được hướng dẫn bằng câu "xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì". Ông chú tôi cười bảo: "Khổng tử nói không có việc giết vua Kiệt, vua Trụ, chỉ có việc giết một người tên Kiệt, một người tên Trụ mà thôi". Tôi tự thấy thêm một điều: Bảo Đại là vua, hay là một người tên thực là Vĩnh Thụy. "Xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì" là sáng kiến của đám "bảo hoàng hơn vua", nhiều khi lộng hành. Thật ra, người dân Huế không ai thắc mắc việc truất phế ông Bảo Đại. Bảo Đại không là Hàm Nghi, Thành Thái hay Duy Tân, người có những hành động yêu nước và nói câu đầy tâm sự như: "Ngồi trên nước không ngăn được nước, buông câu ra đã lỡ phải lần" hay "Tay dơ lấy nước mà rửa, nước dơ lấy máu mà rửa". Không những vua Bảo Đại ham chơi mà ông còn dung túng một đám tay chân bộ hạ như Phan Văn Giáo, Nguyễn Văn Mạnh không những là Việt gian bán nước, còn gây bao điều uất ức cho người dân Huế. Việc trưng cầu dân ý 23 tháng 10 có những cái sai, rõ ràng thiếu vô tư, sắp đặt trước, nhưng người dân Huế không đặt làm điều quan trọng giữa một bên là một ông vua ham chơi, không lo việc nước và một bên là người họ tôn vinh làm "chí sĩ".

Việc người dân Huế và cả Thừa Thiên lần đầu tiên tiếp đón chí sĩ Ngô Đình Diệm khi ông về làm thủ tướng tỏ rõ lòng ngưỡng mộ của họ đối với ông như thế nào. Còn quá xa một ngày hội. Từ đồng Thanh Lam cho tới đồng An Cựu (sau nầy là đường Duy Tân), đường Thượng Tứ (sau nầy là đường Trần Hưng Đạo), vườn hoa Phú Văn Lâu, không chỗ nào đặt chân cho lọt, người người áo quần tề chỉnh đi đón chí sĩ. Xe đưa ông về tới Phú Văn Lâu, nhưng vì đồng bào hoan nghênh nồng nhiệt quá, ông lại phải leo lên xe Jeep, đi một vòng trở lại cầu Trường Tiền. Một tay ông nắm vào mui xe cho khỏi té, một tay hoa lên chào đồng bào, tiếng hoan hô vang trời dậy đất.

Từ đó về sau, trong khoảng một năm, cứ mỗi lần nghe tin "cụ về" là người ta nô nức đón chào. Dọc các đường phố lớn như Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu (mới đổi tên từ đường Gia Long) nhà nhà bày hương án trước nhà, "chưng hình cụ" và lư trầm để tỏ lòng tôn kính, vui mừng. Bài diễn văn "chúc mừng cụ" hôm cụ về chủ tọa lễ kỷ niệm 60 năm trường Quốc Học, 1956, do anh HVX viết, anh ĐAT đọc, có câu: "nguyện học tập và sống xứng đáng với thế hệ Ngô Đình Diệm", ai cũng cho là hay và hoan hô nhiệt liệt. Nha Thông Tin Trung Việt cho máy in chạy suốt ngày đêm in "chân dung cụ" phát không cho đồng bào đem về treo không sao đủ cho nhu cầu dân chúng. Nhưng chỉ được hơn một năm! Khi các ông quận trưởng Phú Vang, Hương Trà, v,v... "lùa" dân đi "đón cụ", cố viết biểu ngữ cho thật to để lập công, thì việc người dân "tự động hoan nghênh cụ" lại không còn nữa. Người dân Huế chính trực không ưa nịnh hót, giả dối. Những tên "nịnh trên nạt dưới" làm hại chế độ là vậy.

Việc người dân hoan nghênh ông ở Quảng Trị và ở Hội An cũng vậy. Cụ Trần Được, một người thuộc dân Hội An "cố cựu", dòng dõi sinh sống ở đây đã mấy trăm năm, nghĩa tế cụ Võ Úy, tri phủ, bạn đồng liêu với Ngô Đình Khôi, tổng đốc, mới năm kia đây kể cho tôi nghe vài câu chuyện lý thú. Sau khi thôi chức thượng thư, ông Ngô Đình Diệm hay vào dinh Tổng Đốc của ông anh ở Vĩnh Điện (Quảng Nam) chơi. Có nhiều buổi chiều, ông ghé nhà cụ Võ Úy, bảo mấy đứa cháu: "Có cơm nguội đem cho chú ăn, chú đói bụng". Có khi ông tự lấy cơm mà ăn, cụ Trần Được nhận xét: "Ông ấy tự nhiên một cách dễ thương". Có khi cụ Võ Úy còn nói đùa "Chú Diệm bây không có cu" thì ông cũng chỉ cười. Ở Huế cũng có nhiều người biết ông ăn uống đơn giản, đạm bạc, không có gì cầu kỳ cao lương mỹ vị. Khi ông làm tổng thống rồi, "cậu Cẩn" tìm ở Huế một bà già biết làm bánh nậm ngon, "tiến" vào dinh Độc lập để làm món ăn sáng cho Tổng Thống vì từ nhỏ ông đã thích món ăn Huế bình dân nầy. Lần đầu tiên về thăm Quảng Nam, ông gọi riêng cụ Trần Được hỏi thăm tình hình, sai tùy viên Kỳ Quang Liêm lấy hai ổ bánh mì "chú cháu mình" ăn với nhau, ở ngay chỗ nói chuyện dưới gốc cây mà không tham dự bữa tiệc thịnh soạn do tỉnh trưởng dọn sẵn. Ông còn hỏi: "Ai cho thằng ni mần tỉnh trưởng? Mấy thằng "mắt trắng môi thâm" như thằng ni, mần tỉnh trưởng chỉ chết dân". Ông sợ chính sách cai trị hà khắc của quan trên, ông sợ dân khổ, ông thuộc lòng "Hà chánh mãnh ư hổ".

Ai nói là ông không biết thương dân? Nhưng ông quên một điều, chính "cậu Cẩn" chứ "ai cho thằng ni mần tỉnh trưởng" cho nên phải hơn hai năm sau, tỉnh trưởng mới bay chức, mặc dù ông nhắc nhở "cậu Cẩn" nhiều lần. Và chính ông có quên chăng, chính Tổng Đốc Ngô Đình Khôi có tiếng là người ác. Từ thời Tỉnh Trưởng Hồ Liêm, ông ta đã chuẩn bị dựng tượng Tổng Đốc Ngô Đình Khôi để tưởng nhớ công đức thì ít nhưng để nịnh thì nhiều. Việc Hồ Liêm bị mất chức tỉnh trưởng bất thình lình làm cho công trình dựng tượng dang dỡ. Đến đời Tỉnh Trưởng Nguyễn Hữu Chì, sau khi nhà Ngô sụp đổ, ông tưởng việc dựng tượng là hay bèn muốn tiếp tục. Cụ Trần Được đang làm Tổng Thư Ký Hội Đồng Tỉnh bèn can: "Bố vợ tôi là bạn đồng liêu với ông Ngô Đình Khôi, nhưng tôi khuyên ông tỉnh trưởng không nên tiếp tục việc dựng tượng nầy, dân xứ Quảng tôi không mấy hoan hô". Cụ Trần Được nói riêng với tôi: "Không mấy hoan hô là tôi nói khéo với ông tỉnh trưởng, thiệt ra, ông ta ác lắm. Làm quan mà thương dân, nhà nớ chỉ có ông Ngô Đình Khả và ông Ngô Đình Diệm mà thôi." Tại Hội chợ Phú Văn Lâu, Huế năm 1953, thủ hiến Phan Văn Giáo chủ tọa khai mạc, gặp Đại Úy Phùng Ngọc Trưng, PVG chỉ ngay mặt nói: "Anh theo Ngô Đình Diệm". Đại Úy Phùng Ngọc Trưng phản ứng: "Ông Ngô Đình Diệm là người yêu nước, làm việc phải nên tôi theo". Vốn dĩ là người chịu ơn gia đình nhà Ngô, PVG im lặng bỏ đị Ở Huế, người ta nói vì câu nói đó nên sau khi ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, đại úy PNT nhãy băng một cấp, lên thẳng Trung tá.

Người dân Huế ngưỡng vọng chí sĩ cứu nước thì đông lắm, nhưng vào "đảng của cụ" (Thật ra bấy giờ người ta không thấy, không biết đảng của cụ Ngô, người ta chỉ biết những người tới lui gia đình cụ có tính cách vừa là "đồng chí" vừa là gia đình mà thôi) không đông. Những người dân Huế biết có quan hệ mật thiết với "cụ Ngô" là ông Võ Như Nguyện, con cụ cử Võ Bá Hạp. Cụ Võ Bá Hạp thi đậu cử nhân mà không chịu ra làm quan, là "đồng chí" của cụ Phan, cụ Huỳnh (Thúc Kháng), cụ Ngô (Đức Kế); là người cải táng mộ cụ Trần Quí Cáp bị chém ở Bình Định (yêu trảm=chém ngang lưng) đem về chôn ở cửa Trài. Ông Võ Như Nguyện và các đồng chí của ông hầu hết chọn chí sĩ Ngô Đình Diệm làm minh chủ, đứng ra trông coi việc xây lăng cụ Phan ở Bến Ngự, lo ngày giỗ kỵ và hương khói mỗi rằm, mồng một. Những ngày nhà cụ Ngô có kỵ giỗ, những người như ông Võ Như Nguyện, Đỗ Mậu, Phùng Ngọc Trưng, Đinh Sơn Thung, Kỳ Quang Liêm, nhạc sĩ Ngô Ganh và ông chú tôi đều có mặt với không khí gia đình, anh em. Hồi ấy "cậu Cẩn" còn "dễ thương."

Việc nước là việc của anh ông, "cậu Cẩn" tự nhận là văn dốt, vũ nhát, ông không lãnh đạo, chỉ tập họp anh em để giúp "cụ Ngô". Với một gia đình giữ truyền thống Nho giáo rất cao, thì chữ hiếu là một cái đạo. Ông thay mặt các anh lo "đạo hiếu" để các anh rộng tay lo việc nước, việc đạo.

Năm học lớp nhì, tôi bỏ học mấy tháng vào ở Bến Ngự để hằng tuần đi thăm nuôi bới xách cho anh tôi đang bị giam ở lao Thừa Thiên (tòa nhà sau nầy, thời Ngô Đình Diệm trở thành một phân khoa của Viện Đại học Huế, biến nhà tù thành trường hoc). Những ngày rảnh rỗi, tôi theo mấy đứa bạn cùng xóm đi hái lá bìm bìm với "cậu" đem về cho thỏ ăn. Mấy đứa chúng tôi cứ tới giờ thì đến đứng trước cổng nhà "cậu", chờ "cậu" ra thì cùng đi lên bãi tha ma gần chân núi Ngự Bình. Tính "cậu" cẩn thận, ngày nào cũng đi hái như thế để có lá tươi cho thỏ ăn. Theo lời "cậu" dặn, chúng tôi chọn kỷ thứ lá hái, không già quá, không non quá và nhứt là không hái lá sâu. Khi nào "cậu" cũng dễ thương, chẳng nói lớn tiếng với chúng tôi bao giờ. "Cậu" ưa những đứa hay đùa, liếng thoắng, nhanh nhẹn, chăm chỉ nhưng "cậu" có vẽ hơi "quê" vì "cậu" chẳng biết nói đùa bao giờ. Đi hái lá bìm bìm với "cậu", tôi nhớ hoài tính "cậu": Hái cho nhanh mà về vì sợ "cụ cố" (bà mẹ) ở nhà một mình. "Cậu" luôn luôn nghĩ rằng mẹ ở nhà cần mình, có gì xảy ra cho mẹ thì sao! Việc nầy ám ảnh tôi mãi về sau, dưới chế độ Ngô Đình Diệm khi có chế đô quân dịch, động viên, biết bao nhiêu thanh niên nhận lệnh nhập ngũ. Họ cũng có mẹ vậy và không ít người không muốn bỏ mẹ mà đị "Cậu" ở trong cảnh "kín cổng cao tường" có biết không, có thông cảm cho họ không? "Cậu" thương mẹ lắm, "cậu" phụng dưỡng mẹ hết lòng. Người ta cũng thế thôi. Bọn thanh niên Huế như tôi, đứa nào cũng có mẹ và thương mẹ không thua gì "cậu", thế khi chúng tôi lìa mẹ để nhập ngũ, ai chăm sóc, ai phụng dưỡng mẹ? "Cậu" lìa mẹ đi hái lá bìm bìm mới một chốc, đã lo quày quả về gấp với mẹ. Còn bọn tôi đi lính, xa mẹ qua năm này tháng nọ thì sao? Suốt những năm đi dạy, khi giảng về Chinh Phụ Ngâm cho bọn học sinh, tôi nói rằng vua ở trong cung hễ cần thì ra lệnh bắt lính. Vua đâu có biết cái khổ của người dân khi có lệnh bắt lính được mô tả trong Chinh Phụ Ngâm hay trong Thạch Hào Lại của Đỗ Phủ, chỉ có quan huyện Đặng Trần Côn trực tiếp thi hành lệnh vua, mới cám cảnh mà viết nên Chinh Phụ Ngâm, nói về cảnh chia ly chồng vợ cha con. Tôi không nghĩ rằng "cậu" biết cảnh đó. Nhà "cậu" bấy giờ không còn như xưa, cái cổng cũ rêu phong "cậu" vẫn còn giữ đấy, "cậu" không muốn bỏ đi những gì cha mẹ đã dựng nên, nhưng bây giờ hai cánh cổng bao giờ cũng đóng kín, lại có người cầm súng đứng gác, đâu có dễ gì vào rạ Và có bao giờ "cậu" nhớ tới những thằng bé thò lò mũi xanh chúng tôi lẽo đẽo theo "cậu" đi hái lá bìm bìm. "Cậu" không quên đâu. "Cậu" có trí nhớ tuyệt lắm. Anh em nhà "cậu" không có ai là không thông minh. Nhưng bọn tôi chẳng đứa nào tới lui nhà "cậu" nữa. Cũng hay đấy! Trong khi người ta tìm mọi cách để vô ra nhà "cậu" cầu cạnh thì chúng tôi bỏ "cậu" đi mất, chẳng đứa nào trở lại, - trở lại thăm "cậu" có lẽ "cậu" cũng nhớ và tử tế như khi "cậu" còn hàn vị Đệ tử "cậu" thì không biết sao chớ "cậu" không phải là người thủ đoạn, không cho thủ tiêu bọn tôi để che dấu dĩ vãng bần hàn. Cũng may, chẳng đứa nào trở lại, nên đứa nào cũng đứng ngoài trò dâu bể năm 1963. Tuy vậy, sau cuộc tang thương đó, đi ngang nhà "cậu" thấy cảnh bây giờ vắng ngắt, vắng hơn cả những ngày trẻ nhỏ đi hái lá bìm bìm, lòng tôi xúc động vì thời thế đổi thay nầy. Bọn trẻ chúng tôi ngày đó chẳng đứa nào theo "cậu" hay chống "cậu", nên chẳng được gì để mà vui và cũng chẳng mất gì để mà tiếc. Tất cả chỉ là trò đời. Bà Huyện Thanh Quan gọi đó là cuộc hí trường:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thắn thoắt mấy tinh sương.

Đúng là cuộc hí trường, mới vui đó mà ra buồn đó, mới ngày nào xe ngựa rập rình đó mà nay vắng ngoe vắng ngắt; mới ngày nào lẽo đẽo theo chân "cậu" lên bãi tha ma hái lá bìm bìm đó mà nay "đã mấy tinh sương", "cậu" đã ra người thiên cổ. Phải chi anh "cậu" đừng làm tổng thống, phải chi "cậu" chẳng có chút quyền lực nào để khỏi ai vào ra xin xỏ, biếu xén, mua chuộc, phải chi "cậu" cứ mỗi ngày đi hái lá bìm bìm cho thỏ, cùng với những đứa trẻ trước tôi đã từng đi với "cậu", họ lớn lên rồi đi xa, tới bọn chúng tôi và những đứa sau tôi nữa, cứ hết lớp nầy đến lớp khác đi hái lá bìm bìm với "cậu", trong cuộc sống bình dị mà hạnh phúc vì "cậu" được luôn luôn gần mẹ để lo tròn đạo hiếu. Ai cũng biết "cậu" thương mẹ lắm, "cậu" có hiếu vô cùng. Vậy ngày ra pháp trường, thân phận "cậu" thì coi như đã yên, đã xong. "Cậu" biết "cậu" không chạy đằng nào cho thoát án tử hình. Khi nghe tin Nguyễn Khánh đảo chánh, cậu buột miệng "Thằng ấy đảo chánh thì chết tao" là "cậu" biết số phận "cậu" rồi đấy. "Cậu" biết lẽ trả vay, ân oán trong cõi giang hồ mà vì cuộc đời đưa đẩy, "cậu" trót đã dấn thân. Nhưng mẹ "cậu" thì sao? "Cậu" chết rồi thì ai chăm sóc cho mẹ, ai phụng dưỡng mẹ, ai hầu mẹ cái ăn cái mặc. Đó là điều đau đớn nhứt của "cậu" khi "cậu" bước ra pháp trường. Có lẽ cũng noi gương "cậu" thương mẹ nên tôi cũng thương mẹ tôi như "cậu" thương mẹ "cậu" vậy nên tôi thông cảm "cậu" vô cùng cảnh cậu ra pháp trường mà lòng đau xót, sợ rằng chết rồi để mẹ ai nuôi. Trong cuộc tang thương nầy, công hầu khanh tướng nầy, tổng thống, thủ tướng, chủ tịch nầy, rốt rồi chẳng ra mẹ gì cả. Chỉ có mẹ mình là nhứt, và ngay ông Trời cũng có mẹ. Tiếng gọi cuối cùng của người hấp hối là "Mẹ ơi!" Vậy mà "cậu" bỏ mẹ mà đi trước. Bỏ mẹ mà đi trước, lòng "cậu" đau xót biết bao nhiêu. Tôi nghiệp "cậu" biết bao nhiêu!

Nói thiệt, gần "cậu" một thời gian ngắn, tôi biết "cậu" có tính xấu; không phải những cái xấu như sau nầy người ta viết báo, viết sách. Đời bây giờ loạn ly, loạn ly cả lòng người, nên người ta thêu dệt dữ lắm, làm sao tôi biết ai chân ai giả mà tin. Tôi tin những gì tôi thấy tôi nghe bằng mắt tôi, tai tôi. "Cậu" thương ai, khen ai thì thương thì khen dữ lắm, mà ghét ai, chê ai thì cũng không ít. Có điều, những người "cậu" khen chê cũng là "dòng dõi" cả đấy. Có lần nhắc tới tên một ông giám đốc đương thời, "cậu" nói: "Cha thằng nớ hồi truớc mần lý trưởng tiêu tiền của làng, chút nữa bị tù, nhờ anh tổng đốc tha cho". Hoặc nhắc tới một ông tỉnh trưởng thuộc phe Phan Văn Giáo, "cậu" bảo: "Thứ nớ chẳng xái bò chi" Tôi vốn dĩ có trí nhớ lâu như mẹ tôi cho nên bây giờ tôi còn nhớ vài lời "cậu" nói như trên cách nay hơn nửa thế kỷ. Nhiều khi tôi tự hỏi: Nhớ chuyện xấu của người ta để làm gì nhỉ?" Nhớ chuyện anh mình (anh tổng đốc) ban ơn cho người khác để làm gì nhỉ? "Cậu" nhớ chuyện "ông tỉnh trưởng xái bò" cũng như tôi nhớ việc "cậu" chê họ chẳng hạn. Nhớ để làm gì chớ? Có điều, "cậu" trọng ai thì trọng dữ lắm. Có vậy nên khi ông VNN đến nhà "cậu", lính không cho vào, ông đập cửa la toáng lên, thế mà "cậu" không dám nói gì, còn mời ông ấy vào nhà nói chuyện tử tế, phân trần. "Cậu" và cả ông chí sĩ nữa, biết người lắm. Nếu kể những người theo chí sĩ khi ông chí sĩ còn bôn ba thì phải nói rằng ông VNN là "đại công thần" đấy. Sau nầy, ông chú họ tôi kể là ông VNN bị bôi lọ với tổng thống dữ lắm nên ông buồn tình, bỏ chức tỉnh trưởng Bình Định là tỉnh mới thu hồi vào vùng quốc gia, ông Diệm cần người lãnh đạo giỏi; ông VNN cũng bỏ luôn chức Dân Biểu Quốc Hội. Ông VNN đi chơi với cô em gái giữa đường phố Saigon, bị người ta lén chụp hình trình gian với tổng thống rằng ông ta hủ hóa, trụy lạc. Ông chú tôi là một trong số những người cũ, theo cụ từ thập niên 1940, sau nầy số lớn trong họ theo gương Phạm Lãi bỏ Việt Câu Tiễn mà đi sau khi trả được mối hận Ngô Phù Sai, họ tránh cái gương Hàn Tín sau khi Lưu Bang đã giành được nước. May cho họ, họ ra đi sớm, không ngồi mãi trong chính quyền như Đỗ Mậu, nên tránh được cái tiếng xấu "bất trung".

Năm 1963, sau vụ đàn áp ở Đài Phát Thanh Huế, tôi đến thăm ông chú họ. Ông xin nghỉ hưu non đã lâu, còn tôi thì đang đi dạy. Đến thăm chỉ là để biết thêm tình hình. Hỏi ông. Ông chỉ nói: "Tội nghiệp ông Ngô Ganh". Nhạc sĩ Ngô Ganh cũng là người theo cụ từ lâu, như ông chú họ tôi vậy. Khi vụ nổ Đài Phát Thanh Huế xảy ra, ông đang làm Quản Đốc đài phát thanh nầy và Bí Thư Tỉnh Ủy Cần Lao Thừa Thiên, Huế. Bọn học trò tiểu học Huế lứa tuổi tôi, phần đông được ông dạy cho những bài hát ngộ nghĩnh như "Chuột cắp trứng", "Hai con chuột đưa xác con mèo", v.v... Phần tôi, lúc ở nhà ông chú họ, vài khi ông sai tôi lên gặp ông Ngô Ganh, nhà ông cũng ở đường Ông Ích Khiêm (đường Cột Cờ) phía trên "Tỳ Bà Trang" của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba một đoạn. Cả hai ông nhạc sĩ nầy, đều "khùng" như ông quan gốc Chàm được lấy tên đặt cho con đường nầy. Nhạc sĩ NHB là người ít khùng nhứt trong ba người khùng, ông chỉ khùng khi ông chưa đắc thời đắc thế mà thôi. Còn ông quan gốc Chàm khùng một cách "khôn quá cha thiên hạ" chứ không như trong câu ca dao:

An Nam có bốn anh hùng Tường gian, Viêm lận, Khiêm khùng, Thuyết ngu (*) Ông Ngô Ganh nuôi hai con chó, một con ông đặt tên là "Phách Tấu", một con ông đạt tên là "Nói Trạng". Mỗi khi có khách tới, ông gọi tên chó, đuổi vào nhà, làm cho khách như bị chặn họng, chẳng ai dám nói "Phách Tấu" (khoe khoang, làm cao) hay "Nói Trạng" (nói như ông Trạng Nguyên, nói dóc, một tấc tới trời). Chúng tôi thích cái lối dạy đời một cách ngộ nghỉnh của ông, theo như cách của cụ Phan lập bia chó mà mai mỉa những tên Việt gian theo Tây bán nước. Qua câu nói của ông chú tôi về ông Ngô Ganh, tôi hiểu tâm sự ông, lòng trung thành của ông đối với "minh chủ" và những "trái trăng" của chế độ. Sau ngày 20 tháng 8 năm 1963, đứa em út của tôi, Hoàng Ngọc Hùng, trong sách "Mùa Hè Đỏ Lửa" của Phan Nhật Nam gọi là "Hùng móm", bị bắt vì Hùng cùng với sinh viên và giáo sư Đại Học Huế và cả Linh Mục Viện Trưởng Cao Văn Luận nữa tham gia phong trào "chống lại Ngô Triều". Ông chú họ tôi phải can thiệp cho Hùng về sớm. Thằng nhỏ căm "trận đòn hội chợ" khi bị giam ở Ty Công An nên chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, mới nghe tin đảo chánh ở Saigon, đã bắc ghế tháo hình ông Ngô Đình Diệm treo trên vách tường để xuống bàn "salông". Hùng nói: "Hễ đảo chánh thành công là tui đập bể khung hình ni". Mẹ tôi nói: "Không được làm rứa, hễ không treo nữa thì mở hình đem cất."

Cũng xin nói thêm về việc treo hình ông Ngô Đình Diệm tại nhà tôi. Chúng tôi lúc đó đang đi học, chỉ có người anh thứ ba là công chức, treo hay không treo hình tổng thống chính quyền chẳng hạch hỏi. Một lần ghé nhà ông chú họ, thấy một tấm hình cụ Ngô in khá đẹp, anh tôi xin về "treo chơi" mặc dù trước đó, một anh cán bộ ty Thông Tin, tên là Lê Xuân Tr., một anh "tân tòng", nguyên là cán bộ CS không tập kết, ở lại làm việc cho Quốc Gia, muốn lập công với chinh quyền bèn tố cáo rằng nhà tôi có một đám thanh thiếu niên hay tới lui họp hành bàn chuyện chống chế độ. Ty Công An giao cho anh Truyền, người làng Trí Bưu, có đạo dòng, công an viên phụ trách phường tôi điều trạ Thay vì điều tra mật, anh ta đến nói thẳng với mẹ tôi: "Mụ, (Mẹ tôi là chủ nhà hộ sinh) coi thằng Tr. rứa mà nó báo cáo như ri được. Đọc báo cáo nó, tui tức lắm. Mấy chú ở nhà ni toàn đi học không, có làm chi mộ Con của mụ thiếu chi bạn học."

Một hôm nhà tôi có giỗ, mời bà con đến ăn giỗ. Một người thuộc làng nội tôi, anh Hoàng L., làm thợ rèn, chỉ bức hình Tổng thống Ngô Đình Diệm treo trên vách tường, nói mỉa: "ÔÔng ni là ôông mô, có bà con chi mà treo rỉ" Anh tôi trả lời: "Anh khác tui khác". Sau khi khách ra về, anh tôi hỏi tôi: "Mi biết tại răng thằng cha L. nói rứa không?" Rồi anh tôi không đợi trả lời, nói tiếp: "Nó mặc cảm thấp hèn, dốt nát."

Nghe thế, tôi mới sực nhớ ra chuyện làng nội tôi. Cách đây hơn 400 năm, một người đàn bà góa, có 4 người con trai đều là thợ rèn, theo chúa Nguyễn vào Nam mà lập ra làng. Khi gia đình nầy khá giả, bốn người con hùn nhau cùng với dân làng dựng lên một ngôi chùa cho mẹ tụ Chùa nầy bị hư hại nhiều nhưng nay vẫn còn. Bốn ông con nầy là bốn họ Hoàng chính trong làng. Khi giàu có, thay vì cho con học rèn, họ cho con học chữ để ra làm quan, có người làm đến phụ chính đại thần, làm quốc trượng. Do đó, người làng tôi bỗng chia hai phe rõ rệt: phe có học thì làm thầy, làm quan; phe không học thì làm thợ. Thậm chí ngay cả anh em ruột kẻ có học, người không cũng chia thành hai phẹ Phe làm thầy, làm quan thì hưởng ơn vua lộc nước, không giàu có thì cũng nhàn hạ, sung sướng; phe làm thợ thì quai lưng đập búa thợ rèn, gian nan cực khổ. Sự cách biệt đó gây ra nhiều mâu thuẫn, xung khắc đố kỵ đến nổi nội tổ tôi tuy làm thầy thuốc cứu nhân độ thế mà ở trong làng cũng không yên, phải qua ngụ bên làng vợ ông.

Sự mặc cảm vì dốt nát và đố kỵ với kẻ có học, giới quan quyền, khiến sau cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, làng tôi trở thành một làng theo Việt Minh khá đông, làm cho cái đình làng nổi tiếng to và đẹp bị phá hủy hoàn toàn. Khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ thì nhiều châu bản triều Nguyễn từ Tàng Thơ (Kho sách của Triều đình ở Huế) đem về cất giữ ở đình làng thì Việt Minh cho đốt sạch hoăc cho dân lấy giấy vấn thuốc lá hút, không còn lại một chút tài liệu sách sử nào. Những người lãnh đạo Việt Minh trong làng cho rằng những thứ châu bản phong kiến ấy có liên hệ với các ngưới làm quan mà họ ghét bỏ, thậm chí thù hằn nên họ không để lại làm gì. Những ngưởi "lãnh đạo" việc đốt phá ấy, sau nầy có mấy người làm tướng trong ngành Công An CS Bắc Việt. Người làng bà con tới ăn giỗ nhà tôi không nằm ra ngoài mặc cảm dốt nát, thua thiệt ấy nên mặc dù ông biết rõ tấm hình treo trên vách tường là ai nhưng ông còn giả bộ hỏi: "ÔÔng ni là ôông mô có bà con chị.. " Nếu tôi còn ở VN tôi cũng không treo hình Hồ Chí Minh trong nhà và tôi cũng chẳng bao giờ kêu Hồ Chí Minh bằng "bác" vì ông ta với tôi chẳng bà con chi, còn như có ai treo hình Hồ Chí Minh và gọi ông ta bàng "bác", thì chẳng qua họ kiếm chác được địa vị quyền lợi như các người thợ rèn làng tôi nên tôn vinh ông ta mà thôi.

Chỉ mấy ngày sau cuộc đảo chánh, chính quyền mới ra lệnh cấm treo hình ông Ngô Đình Diệm, lúc đó thì anh tôi đã nghe lời mẹ tháo tấm hình đem cất vào tủ rồi. Giáng Sinh năm 1972, Linh Mục Nguyễn Bá Lộc ở Kinh 1 Cái Sắn mời tôi và nhà tôi vào ăn lễ Noel. Tới nơi, tôi thấy phòng khách của linh mục NBL treo chình ình bức chân dung Tổng Thống Ngô Đình Diệm nơi bức tường lớn. Linh mục NBL nói với tôi từ ngày treo lên tới giờ, chưa bao giờ ông hạ bức hình Tổng Thống xuống, dù có lệnh của chính quyền quân nhân đảo chánh, bởi vì như vị linh mục nói: "Không có ông thì không có dinh điền nầy. Như anh thấy đấy, dân ở đây không những no cơm ấm áo mà còn giàu. Trước mắt, mỗi gia đình có 3 mẫu ruộng, giá mỗi mẫu trên nửa triệu đồng". So với đồng lương một sĩ quan như tôi, nửa triệu đồng lớn quá. Trong cuộc tranh cử năm 1967, tướng Thiệu, tướng Kỳ đều có đến đây, ai cũng thấy chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm treo trong phòng khách nầy. Họ nghĩ gì nhỉ? Riêng tôi, tôi nhớ ông chú họ tôi, nhớ tới nhà thờ cụ Phan ở Bến Ngự, nơi mở ra con đường cho ông chú tôi tìm được minh chúa, nhớ những ngày thơ ấu tôi lẽo đẽo theo chân "cậu" đi hái lá bìm bìm ở bãi tha ma bên chân núi Ngự Bình mà ngay khi ấy, dù còn nhỏ tôi đã biết câu tục ngữ rất thâm thúy của người Việt: "Dậu đổ bìm leo".

Mass, những ngày tháng 9/02

hoànglonghải/tuệchương.

Chú thích trong "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên:

(1) Ngô Đình Diệm (1902-1963), sinh trưởng trong một gia đình quan lại, dưới thời vua Bảo Đại làm tới chức thượng thư tại triều đình Huế. Bị Việt Minh bắt được thả. Ngô Đình Diệm chạy ra nước ngoài (Mỹ, Pháp), sau năm 1954 trở về VN làm thủ tướng của chính quyền Bảo Đại. Năm 1955, Ngô Đình Diệm lật Bảo Đại, tuyên bố Miền Nam VN là nước Cọng Hòa và lên làm tổng thống. Năm 1963 bị phái quân nhân làm dảo chánh giết chết.

(2) Tên thật là Tô Dĩ, đảng viên Cọng sản, bị thực dân Pháp đày đi Madagascar. Được quân đội Anh giải phóng, giao cho quân đội Mỹ. Theo ông kể cho tôi nghe thì một số tù chính trị VN trong đó có ông và ông Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) được OSS (Cục tình báo chiến lược, tiền thân của CIA) huấn luyện rồi thả dù xuống Hà Đông. Lê Giản mang điện đài, tiền và vũ khí về cho đảng. Năm 1945 được ông Hồ Chí Minh cử làm Tổng Giám Đốc Nha Công An VN. Sau, ban lãnh đạo đảng nghe theo kinh nghiệm Trung Quốc không để cho người từng có thời gian sống với địch nắm công tác quan trọng, gạt ông khỏi chức vụ. Trước khi về hưu Lê Giản là phó chánh án Tòa Án Tối Cao. Ông có uy tín rất lớn trong những người CS thế hệ già.
(3) Cụ thân sinh ra ông Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Khả, thượng thư bộ Lễ trong triều đình Huế. Khi thực dân Pháp quyết định bắt vua Thành Thái đi đày cụ Ngô Đình Khả phản đối, không ký tên vào bản án. Một chí sĩ khác, cụ Nguyễn Hữu Bài đã từ chối không ký tên vào bản đồng ý cho khâm sứ Pháp Mahé đào lăng Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu.
(Đêm Giữa Ban Ngày, VTH, trang 228)
(*)Chiều chiều trước bến Văn Lâu
A ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm ai nhớ ai trông
Thuyền ai lơ lững bên sông
Đưa câu mái đảy chạnh lòng nước non
Đây là câu hò Huế, tả cuộc sống và tâm trạng cụ Phan khi bị giam lỏng ở Bến Ngự. Nhiều người tưởng tác giả vô danh. Theo Tôn Nữ Hỷ Khương, chính thân phụ bà là tác giả, cụ Ưng Bình Thúc Dạ thị.
(*) Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm, Ông Ích Khiêm và Tôn Thất Thuyết.
Trước tình cảnh "quốc phá gia vong" vì Tây xâm lược, các quan trong triều chỉ lo tranh giành, xâu xé nhau. Ông Ích Khiêm dọn một bữa tiệc, mời các quan lại ăn. Hỏi cho ăn gì, ông nói: "Chó, trên dưới đều chó hết." Ông dặn gia nhân, xong tiệc đừng đem nước uống ra, dù ông có gọi. Gọi mãi không có nước, ông gọi hết gia nhân ra mắng trước mạt khách: "Bọn bây chỉ lo ăn, chẳng đứa nào lo việc nước cả."

Các quan giận lắm, nhưng chẳng làm gì một người thẳng tính như ông.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết