Nước sông miền Trung giảm bất thường
Cuối
tháng 2, thời tiết các tỉnh miền Trung còn se lạnh nhưng mực nước các
dòng sông lớn đã xuống thấp, thậm chí cạn đáy, báo hiệu một năm khô hạn
khốc liệt.
Các
dòng sông lớn ở Quảng Ngãi như Trà Khúc, Vệ đang bắt đầu trơ đáy. Mực
nước trên các sông này trong 5 năm nay đang sụt giảm mặc dù lượng mưa
tương đương và cao hơn so với cùng kỳ.
Theo Trung tâm dự báo
khí tượng thủy văn, năm 2011 Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đối mặt với khô hạn
gay gắt. Số liệu đo đạc tại Trạm thủy văn An Chỉ, xã Hành Phước (Nghĩa
Hành), mực nước trong những ngày tháng 2 chỉ trên 4 m, tương đương mức
nước cạn kiệt nhất trong 5 năm qua.
Ông Trương Văn Thân, Phó
trưởng trạm thủy văn An Chỉ tính toán: “Căn cứ vào số liệu quan trắc đo
đạc được, trung bình mỗi năm mực nước sông Vệ giảm khoảng 10 cm”.
Trong
khi đó, mực nước tại các sông Trà Bồng, Trà Khúc cũng đang xuống thấp
hơn trung bình nhiều năm hơn nửa mét, trong khi lượng mưa không hề suy
giảm. Ông Nhâm Xuân Sỹ, Phó tổng giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng
thủy văn Quảng Ngãi giải thích, sở dĩ có hiện tượng bất thường này là
do sự biến đổi khí hậu và rừng đầu nguồn bị tàn phá. Nguồn nước ngầm
cũng cạn kiệt do người dân vùng hạ lưu dùng máy bơm với công suất quá
lớn để sản xuất nông nghiệp.
Ông Sỹ cảnh báo, trước thực trạng
dòng chảy sông ngày càng sụt giảm bất thường, ngay từ bây giờ người dân
cần phải có biện pháp tiết kiệm, tích trữ nguồn nước để phòng chống khô
hạn phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là trong vụ hè thu sắp đến.
Ở
Quảng Nam, nước các hồ chứa cũng xuống thấp, ngang mực nước chết. Hồ
thủy điện A Vương chỉ còn 363 m (tương đương mức thâm hụt nửa hồ chứa).
Các chuyên gia dự báo, với mức sụt giảm nguồn nước ở hồ như trên thì
nhà máy thủy điện này sẽ thiếu hụt khoảng 100 triệu kWh trong năm nay.
Đại
diện Công ty cổ phần thủy điện A Vương nhìn nhận, năm 2010, lượng nước
về chỉ còn 50% so với 2009, mực nước của hồ chứa sẽ tiếp tục giảm trong
năm nay. Ngay từ đầu năm, công ty thuỷ điện này đã xây dựng phương án
ứng phó với hạn hán: vừa vận hành, đảm bảo cung ứng nguồn điện cho quốc
gia; vừa phối hợp với địa phương vùng hạ du dòng Vu Gia xây dựng phương
án cứu lúa cho vụ hè thu.
Tại thành phố Đà Nẵng, nước về các
sông, hồ bị thiếu hụt nghiêm trọng, dẫn đến lượng nước ít ỏi còn lại ở
cuối hạ lưu bị nhiễm mặn, không sử dụng được. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó
giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, trong
hai năm qua, lượng mưa còn tương đối lớn hơn so với dự báo năm 2011,
song hạn hán cũng đã đe dọa trực tiếp đến 3.500 ha lúa vụ hè thu.
Trong
khi đó, đến tháng 6 tới, Nhà máy thủy điện Đăk Mi nằm ở thượng nguồn
sông Vu Gia hoàn thành, bắt đầu chặn dòng phát điện. Chắc chắn nguồn
nước chính của hệ thống sông Vu Gia bị cắt nước, chuyển về sông Thu
Bồn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng và một phần diện tích của các
huyện Đại Lộc, Điện Bàn của Quảng Nam.
Ông Thắng nhận định: "Tình hình khô hạn năm nay tại các khu vực nói trên sẽ diễn biến căng thẳng hơn nhiều so với năm trước".
Trí Tín